Non nước Việt Nam

Chạp họ - nét văn hóa truyền thống của người Việt

Cập nhật: 18/03/2020 10:11:52
Số lần đọc: 843
Tháng Chạp - tháng cuối cùng của năm, bao công việc cứ dồn cả lại nhưng nếu ai có tấm lòng hướng về tổ tiên sẽ cố gắng thu xếp thời gian để trở về với nguồn cội, ấy là về chạp họ. Chạp họ là ngày do các cụ trong họ định ra từ lâu, thành thông lệ hằng năm, thường diễn ra vào tháng Chạp âm lịch (nên gọi là chạp họ).

Quê tôi ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang), trong xã có nhiều dòng họ (Dương, Nguyễn, Ngô, Tống, Phạm,…) mỗi dòng họ tự quy ước với nhau chạp họ một ngày cố định trong năm nhưng thường là từ 12 đến hết 22 tháng Chạp, vì sau đó là đến lễ đưa ông Táo lên trời và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Theo tục lệ bao đời nay, cứ đến ngày chạp họ, bà con ở tại làng hay đi làm ăn xa vào ngày này đều nhớ trở về tham gia chạp họ, cùng nhau làm lễ cúng tổ tiên, thăm hỏi họ hàng, bàn việc họ, đóng góp tu bổ từ đường, sửa sang lại mồ mả, quỹ khuyến học, vãn cảnh quê hương...

Ngày diễn ra chạp họ sẽ tập trung ở nhà trưởng họ hoặc nhà thờ tổ, mọi người ai vào việc nấy do đã được phân công từ trước. Theo lệ xưa, chỉ các “suất đinh” (nam giới) mới được tham gia chạp họ nhưng hiện nay, một số dòng họ đã có tư duy đổi mới, không phân biệt nam nữ, đến ngày chạp họ, ai cũng được tham gia.

Ngay từ sáng sớm, mọi người đông đủ cùng nhau đi viếng mộ tổ tiên (còn gọi là chạp mả). Thời trước, các ngôi mộ chủ yếu bằng đất nên mỗi người đều mang theo cuốc, xẻng để phạt cỏ và đắp lại mộ. Ngày nay, do kinh tế phát triển, đa số các ngôi mộ đã được xây kiên cố bằng các chất liệu gạch, đá, bê tông nên mọi người thường mang theo vôi hoặc sơn để quét lại cho mới. Con cháu tập trung ra đồng chạp mả thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên. Đứng trước “anh linh tiên liệt”, thắp nén nhang tâm kính cẩn tạ ơn tổ tiên, rồi mời từng cụ về thụ hưởng lễ vật. Đây cũng là dịp để những bậc cao niên trong họ giới thiệu với con cháu về tiểu sử hoặc công lao, đóng góp của những người đã khuất. Không khí thật trang nghiêm, thành kính, mọi người đứng nghe và ôn lại nguồn gốc, tổ tông của mình,…

Chạp mả xong, con cháu về tập trung tại từ đường (nhà thờ tổ). Trưởng họ hoặc một cụ cao niên nhất trong họ đứng ra tuyên bố lý do chương trình buổi lễ trước con cháu, sau đó trịnh trọng đặt mâm cỗ cúng lên bàn thờ, rót rượu, thắp hương khấn mời tổ tiên về chứng giám; tiếp đến, tuần tự theo thứ bậc trong họ thắp nhang, chắp tay khấn vái.

Trong không khí thiêng liêng, ấm cúng với hương trầm nghi ngút, ông trưởng họ ôn lại truyền thống, gia phong của dòng tộc, khuyên dạy con cháu tích cực phấn đấu trong học tập và lao động, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, xứng đáng với truyền thống ông cha đã vun đắp, xây dựng. Đồng thời công khai các khoản thu, chi của họ trong một năm qua, thông báo rành mạch về những việc đã làm và rút kinh nghiệm những việc họ chưa làm được. Tiếp đến, nêu lên những dự định sẽ thực hiện trong năm mới; kêu gọi sự tự nguyện đóng góp tiền bạc cho quỹ họ, ai góp bao nhiêu là tùy tâm. Sau khi thống kê tài chính, thiếu đủ bao nhiêu thì được phân bổ về các chi, các cành có trách nhiệm đóng góp tiếp.

Khi hương tàn, cỗ được dọn ra, mọi người quây quần bên mâm cỗ. Cứ theo thứ bậc, vai vế, các cụ đầu cành, trưởng chi, trưởng họ ngồi mâm trên, kế đến các con cháu lần lượt ngồi mâm dưới. Tất cả diễn ra vui vẻ ấm cúng trong một đại gia đình gồm nhiều thế hệ.

Như vậy, chạp họ là một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trong họ tộc, là sự thiêng liêng khi con người biết nhớ về nguồn cội, là sự kết nối giữa những người cùng huyết thống nhằm làm thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Chính vì ý nghĩa tốt đẹp đó mà phong tục chạp họ của người dân quê tôi trong dịp cuối năm, khi Tết đến, xuân về vẫn còn được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ./.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT