Non nước Việt Nam

Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Lào từ lễ Kin khẩu hó

Cập nhật: 13/03/2020 09:29:15
Số lần đọc: 933
Lễ mừng cơm mới - Kin khẩu hó của dân tộc Lào là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế cũng như văn hóa tinh thần của người Lào tỉnh ta. Tại bản Mường Luân, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông), nghi lễ này vẫn được duy trì. Dự kiến trong năm nay, Kin khẩu hó sẽ được ngành Văn hóa tổ chức phục dựng bảo tồn tại bản Mường Luân, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào.


Trích đoạn nghi lễ Kin khẩu hó của dân tộc Lào bản Mường Luân được trình diễn tại Lễ hội Hoa Ban năm 2019.

Người Lào quan niệm rằng, sau khi thu hoạch xong mùa màng phải tổ chức lễ mừng cơm mới để tạ ơn tổ tiên, các vị thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Ðồng thời xin các vị thần linh tiếp tục bảo vệ con người, mùa màng cho những năm tiếp theo. Ðây cũng là dịp để đồng bào dân tộc Lào có dịp gặp gỡ nhau, hỏi thăm sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; cùng hòa mình vào không khí rộn ràng, vui tươi của phần hội với các bài ca, điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc.

Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã đăng ký với Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VH,TT&DL) phục dựng, bảo tồn lễ mừng cơm mới - Kin khẩu hó của dân tộc Lào thuộc chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2020. Bản Mường Luân, xã Mường Luân có trên 99% dân tộc Lào cư trú lâu đời và còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa truyền thống độc đáo. Bên cạnh đó, trong cộng đồng có nhiều người già, nghệ nhân, cán bộ am hiểu lối sống, văn hóa truyền thống của dân tộc Lào nên được lựa chọn là nơi tổ chức bảo tồn lễ Kin khẩu hó.

Ông Lò Văn Cắm, người am hiểu và thường xuyên thực hành các nghi lễ truyền thống dân tộc Lào tại Mường Luân cho biết: “Kin khẩu hó được tổ chức vào giữa tháng 8 âm lịch, ở quy mô gia đình. Ðây là 1 trong 3 nghi lễ quan trọng nhất trong năm của người Lào chúng tôi. Các hộ trong bản đều tổ chức Kin khẩu hó, không có gia đình nào bỏ nét văn hóa truyền thống này cả. Ðể cả bản lần lượt tổ chức xong phải mất khoảng 5 ngày, đây được coi như ngày tết gặp gỡ, vui chơi tưng bừng của bản tôi”.

Ðược biết, các nghi lễ thực hiện Kin khẩu hó không cầu kì, phức tạp mà tùy theo điều kiện và đặc thù của mỗi gia đình để chuẩn bị. Thực hiện nghi lễ Kin khẩu hó, mọi người trong gia đình phải dậy sớm để nấu nướng. Ðồ cúng bao gồm rượu, xôi; thịt gà, vịt luộc chín, chặt miếng nhỏ. Ngoài ra, còn thêm các con vật như: Dế mèn, nhái, ếch, cá... tất cả đều xôi chín; các loại quả như: Ổi, đu đủ, chuối, mía, dưa... tượng trưng cho mùa màng bội thu. Ðiều đặc biệt nhất trên mâm cúng là những “khẩu hó” - gói xôi bằng lá dong. Trong “khẩu hó” thường có xôi, thịt gà, thịt vịt và nhiều đồ ăn khác trong mâm cúng. Nhưng có những “khẩu hó” thiếu một số thực phẩm. Ðây sẽ là chi tiết thú vị để các thành viên trong gia đình và các vị khách giao lưu, tạo không khí sôi nổi, vui vẻ, kéo dài bữa cơm đoàn viên, mừng cơm mới. Cụ thể, cuối buổi chủ nhà bê mâm khẩu hó đến mời các bàn, mỗi người lấy 1 “khẩu hó” và mở ra xem bên trong có những “lộc” gì. “Lộc” đủ hay thiếu thì sẽ được mừng rượu khác nhau.

Mâm cúng khẩu hó phải được chuẩn bị xong trước 10 giờ. Người chủ trì thường là người già hoặc gia chủ. Cúng lần lượt từ thần linh, bàn thờ tổ tiên, thần bếp, người đã khuất... Ông Lò Văn Cắm cho biết thêm: “Mặc dù các gia đình đều duy trì nghi lễ này nhưng không phải chủ nhà nào cũng tự thực hiện cúng được. Nhiều hộ trẻ tuổi phải nhờ người cao tuổi trong gia đình, dòng họ cúng giúp. Tuy nhiên, hầu hết thanh niên đã lập gia đình đều nhận thức đây là nghi lễ quan trọng, nên cũng chủ động học hỏi cách thức cúng và các bài khấn. Vì vậy chúng tôi cũng không lo lắm về việc truyền nối nghi lễ truyền thống Kin khẩu hó”. Sau phần lễ, các hộ đi thăm nhau, cùng nhau đi từ nhà này sang nhà khác, cụng chén rượu mừng, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp. Rồi cả nam và nữ cùng múa lăm vông, cùng say trong tiếng khèn bè đặc trưng của dân tộc.

Phục dựng, bảo tồn lễ Kin khẩu hó của dân tộc Lào được ngành VH,TT&DL coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Lào, nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn, phát huy các giá giá trị văn hóa truyền thống. Ðồng thời khuyến khích người dân tham gia sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí cộng đồng; góp phần tạo điểm nhấn cho việc phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch muốn nghiên cứu, trải nghiệm về văn hóa của dân tộc Lào. Thực hiện nhiệm vụ này, ông Ðào Duy Trình, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở VH,TT&DL) cho biết: Ðơn vị đang triển khai khảo sát thực địa, thu thập thông tin để chuẩn bị phục dựng, bảo tồn. Dự kiến sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình, mô tả chi tiết quá trình phục dựng, bảo tồn lễ mừng cơm mới Kin khẩu hó của dân tộc Lào, bản Mường Luân vào tháng 9/2020 và hoàn thiện các sản phẩm, báo cáo kết quả phục dựng, bảo tồn vào tháng 11/2020.

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT