Non nước Việt Nam

Múa trống đôi của người Chăm H’roi

Cập nhật: 19/03/2020 15:58:16
Số lần đọc: 859
Múa trống đôi là di sản văn hóa độc đáo của người Chăm H’roi. Người ta trò chuyện, tâm tình với nhau qua tiếng trống, trao gửi tâm tư, tình cảm, khát vọng và kết nối cả cộng đồng, kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai cũng qua tiếng trống.

Nghệ thuật diễn xướng mang tính thể thao

Trống đôi, hay còn được gọi là Chigưl là nhạc cụ thuộc họ màng rung có từ lâu đời của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh tỉnh Bình Định, Đồng Xuân, Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Gọi là trống đôi vì trống luôn được diễn tấu theo cặp gồm trống đực và trống cái. Loại nhạc cụ này được dùng khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Chăm H’roi.

Trong những lễ hội quan trọng như đâm trâu, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe…, trống đôi là nhạc cụ đi liền với dàn cồng ba và chiêng năm được chủ thể văn hóa diễn tấu. Nghi thức này là sự khẩn cầu thần linh, gửi gắm lòng biết ơn và những khát vọng thuần hậu về cuộc sống ấm no, bình an và khỏe mạnh. Âm vang của tiếng trống còn là sự kết nối cộng đồng, hóa giải những khúc mắc, bất hòa. Mặt khác, trống đôi còn thường được đem ra thi tài giữa các trai làng với nhau như là môn thể thao nghệ thuật hay vui văn nghệ.

Sự sáng tạo đặc biệt của người Chăm H’roi khi diễn tấu trống trước hết là việc tạo ra âm thanh từ cách dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay để vê, vuốt trên bề mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu phức tạp chứ không bằng dụng cụ dùi hay đùi trống.

Múa trống đôi không dễ, khi trình diễn cặp nhạc cụ này người ta còn thực hiện các động tác múa rất độc đáo. Người diễn tấu đứng đối diện nhau, trống được đeo nằm ngang trước bụng. Trong khi chân nhún nhảy theo nhịp, hai tay người chơi trống vỗ vào mặt trống liên hồi, hai người múa trống đôi cùng nhau phải tạo sự ăn í, nhịp nhàng. Trống nặng khoảng 4 kg nhưng người diễn tấu phải múa liên tục, thân mình luôn di chuyển, nhún nhảy. Vì vậy, người diễn tấu ngoài sự khéo léo, khả năng thẩm âm tốt, cần phải có sức khoẻ và sự dẻo dai, bền bỉ để tạo nên những âm thanh mạnh mẽ, tiết tấu linh hoạt.

Đặc biệt, trong những lễ hội quan trọng của buôn làng, trống đôi còn được diễn tấu suốt đêm. Từng cặp thay phiên nhau diễn tấu. Cặp này mệt, cặp khác thay, cuộc “đấu trống” diễn ra suốt đêm.

Tiếng nói tâm tình và sự sáng tạo ngẫu hứng

Trước hết, giai điệu của trống đôi là một tập hợp những chuỗi tiết tấu đầy ngẫu hứng, không bị giới hạn trong một trường độ, cao độ nhất định nào. Thông qua âm thanh, nhịp điệu và tiết tấu của trống đôi, người Chăm H’roi có thể trò chuyện, tâm tình với nhau mà không cần lời nói nào.

Bằng trống đôi, người diễn tấu có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm của âm thanh từ nhịp trống như những lời tâm tình, trò chuyện. Do đó nghệ thuật múa trống đôi đòi hỏi phải là một cặp diễn tấu ăn ý và hiểu ý nhau, tiết tấu, nhịp điệu và âm thanh được tạo ra phải nhịp nhàng, uyển chuyển, tung hứng cho nhau. Trống này ngừng, trống kia đánh, trống này chậm rãi, trống kia đánh dồn dập… như một cuộc đối thoại của hai người bạn. Múa trống đôi cũng có nghĩa là trò chuyện, tâm tình cùng nhau. Nghe hai người đánh trống đôi, người ta có thể cảm nhận được tình cảm vui, buồn hay nhớ nhung, giận hờn, trách móc…

“Cái khó nhất chính là ở chỗ làm thế nào để cho tiếng trống của hai người không bị lỗi nhịp, có thể hòa vào nhau. Muốn vậy, phải là hai người hiểu nhau, tâm đầu ý hợp mới có thể cùng nhau chơi trống. Thậm chí ngoài đời họ còn là bạn chí cốt” - nghệ nhân So Minh Cư (làng Hà Ra, xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân, Phú Yên) cho biết.

Đặc biệt, trong diễn tấu trống đôi, tính ngẫu hứng của tiết tấu, nhịp điệu khá cao. Sự ngẫu hứng này đã tạo nên những khúc biến nhịp điệu tấu vô cùng sinh động, khi thì nhẹ nhàng như lời tâm sự, lúc hưng phấn, sôi nổi mạnh mẽ theo từng tâm trạng của người diễn tấu. Bởi vậy, cặp diễn tấu trống đôi phải nắm vững nhịp điệu, tiết tấu nhưng phải có khả năng cảm nhận tinh tế nhịp điệu, tiết tấu của người cùng diễn tấu hòa âm ăn í. Trong lễ xây cột của lễ hội đâm trâu, cuộc trò chuyện bằng âm thanh trống diễn tiếp suốt đêm đầy mê hoặc, quyến rũ. Người diễn tấu, người nghe bị cuốn hút vào âm thanh đầy ngẫu hứng. Những lo lắng buồn phiền bỗng tan biến. Nỗi đau, sự mất mát được xoa dịu. Liệu pháp kỳ diệu của âm thanh, vũ điệu múa trống làm tâm hồn trở nên thanh sạch, hướng thiện, lạc quan phới phới.

Âm thanh của trống đôi và vũ điệu hình thể của múa trống đôi là thứ ngôn ngữ đặc biệt kết nối từ quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối cộng đồng được được người Chăm H’roi giữ gìn, trao truyền từ xa xưa. Tiếng trống được cất lên báo hiệu mùa lễ hội, báo hiệu những cuộc vui của cả cộng đồng. Những tâm tình, những buồn vui và những mâu thuẫn, bất hòa đều được giải tỏa qua âm thanh của trống đôi.

Với những giá trị to lớn của nó, cùng với nghệ thuật trình diễn cồng ba, chiêng năm, nghệ thuật trình diễn trống đôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào đầu năm 2016./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT