Non nước Việt Nam

Độc đáo lễ lên nhà mới của người Mạ

Cập nhật: 20/03/2020 15:01:46
Số lần đọc: 965
Nhà là nơi cư trú, sinh hoạt, gắn kết các thành viên trong gia đình của cộng đồng người Mạ ở Đắk Nông. Để dựng được ngôi nhà, đặc biệt là ngôi nhà dài dành cho đại gia đình nhiều thế hệ cần có sự chung sức, đồng lòng, tương trợ của các thành viên trong gia đình, dòng tộc và bà con trong bon làng.

Mỗi khi làm xong ngôi nhà sàn, việc chuyển về nhà mới là sự kiện rất hệ trọng. Người Mạ sẽ làm lễ cúng thần nhà trước khi lên ở nhà mới.

Chủ lễ là gia trưởng (người đứng đầu gia đình lớn) hoặc người có uy tín, tiếng nói nhất trong dòng tộc, bon làng. Chủ lễ phân công nhiệm vụ, công việc cụ thể để chuẩn bị lễ cúng đến từng thành viên trong gia đình. Nhà nghèo có thể cúng lợn, gà, nhà giàu cúng trâu, bò để tạ ơn thần linh, bon làng. Tuy nhiên, lễ vật bắt buộc phải có gồm con gà trống, ché rượu cần, cơm lam, thịt nướng, trái bầu khô đựng nước, trái bầu khô đựng tiết con vật hiến tế, cục than hồng và một số loại hạt giống... Bà con trong bon làng đến chúc mừng thường mang theo ché rượu cần, xếp thành hàng dài từ đầu nhà đến cuối nhà gia chủ…

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, lễ lên nhà mới được tiến hành trước sự tham gia, chứng kiến đông đủ của các thành viên trong gia đình và bà con trong bon làng. Các nghi thức chính trong lễ lên nhà mới bao gồm: hiến tế, tạ ơn, cầu phúc, tạo lửa cho nhà mới, tẩy rửa nhà… Lễ lên nhà mới bắt đầu với nghi thức cúng mời thần linh về chứng giám ngày lễ lên nhà mới của gia đình.

Sau khi lễ vật đã bày ra, chủ lễ sẽ đưa con gà (con vật hiến tế) cắt tiết, bôi máu lên cây nêu, kèm theo lời khấn thần. Đây là thủ tục bắt buộc để tạo thành sợi dây kết nối với các vị thần linh. Chủ lễ mời các vị thần về hưởng lễ vật mà gia đình dâng cúng, xin phép dọn về nhà mới cùng với mong muốn gia đình được bảo hộ nơi ở mới được bình an, có nhiều con cháu, có sức khỏe, mùa màng tốt tươi, cây cối, con vật nuôi sinh sôi nảy nở,...

Các nghi thức cúng tại cây nêu kết thúc cũng là lúc chủ lễ thực hiện nghi thức bước vào nhà mới để cầu may mắn. Ông mang theo bầu nước, một số hạt giống cùng cục than hồng từ nhà cũ sang nhà mới. Bước lên cầu thang, chủ lễ đặt bầu nước trước cửa xin thần nhà cho phép được dọn về nhà mới. Sau đó từng người trong gia đình mang đồ đạc bước vào nhà. Chủ lễ cất hạt giống trên kho lúa và giàn bếp rồi khấn xin thần lửa, thần bếp cho phép nhóm lửa ở bếp chính trong ngôi nhà sàn.

Sau khi lửa thiêng ở bếp chính bùng cháy lên, ngọn lửa sẽ lần lượt được chia về từng bếp phụ của các gia đình nhỏ cùng sinh sống trong ngôi nhà sàn. Các gia đình nhỏ phải giữ cho bếp lửa liên tục cháy suốt ngày đêm hôm đó. Mọi người bắt đầu nấu nướng các món ăn truyền thống như cơm lam, thịt nướng, canh thụt… để đãi khách đến chung vui.

Lúc này, chủ lễ cầm theo chén máu gà, ống rượu thực hiện nghi thức bôi máu trong nhà. Máu gà được bôi lên mọi vật dụng trong ngôi nhà từ vách tường, kho lúa, bàn thờ đến ché rượu cần, bếp lửa, dàn chiêng,… để tẩy rửa, xua đuổi tà ma và những điều xấu xa. Sau đó, chủ lễ cùng người nhà bôi máu con vật hiến tế lên trán nhằm xua đuổi bệnh tật, những điều không may và cầu chúc may mắn, sức khỏe cho nhau. Nghi thức bôi máu con vật hiến tế được xem như là một thông điệp cầu an gửi đến các thế lực siêu nhiên.

Sau khi phần lễ kết thúc, tiếng chiêng, tiếng khèn bầu được tấu lên rộn ràng theo từng lời hát, điệu múa,… mừng gia chủ có được ngôi nhà mới. Chủ lễ cắm cần vào ché rượu đặt giữa nhà. Mọi người quây quần bên ché rượu cần, ăn uống vui vẻ, hát dân ca, đối đáp với những lời chúc gia chủ có cuộc sống an lành, hạnh phúc trong ngôi nhà mới./.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT