Non nước Việt Nam

Ðặc sắc các trình thức trong lễ hội cầu ngư

Cập nhật: 24/03/2020 09:02:47
Số lần đọc: 1710
Cùng ý nghĩa ca ngợi công đức của thần Nam Hải (tức cá Voi) nhưng ở mỗi địa phương lễ hội cầu ngư lại có những điểm đặc sắc riêng. Ở Bình Ðịnh, gắn với lễ hội cầu ngư còn có chèo Bả trạo, múa gươm hầu thần, đó là những trình thức làm nên sắc màu độc đáo cho ngày vui của ngư dân miền biển.

Cầu ngư là lễ hội của người dân miền biển nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá. Chưa ai khẳng định lễ hội cầu ngư có từ khi nào nhưng đến thời nhà Nguyễn, lễ hội này được công nhận, minh chứng qua những sắc phong còn được giữ lại ở các lăng.

Đa dạng trình thức

Ở tỉnh ta, các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn, nơi nào cũng có lăng thờ cá Ông, tổ chức lễ hội cầu ngư. Gắn với lễ hội cầu ngư của ngư dân Bình Định thường có chèo Bả trạo, múa gươm. Chèo Bả trạo, múa gươm ở mỗi địa phương có sự khác nhau nhưng được quan tâm nhất là vở tuồng “Hát bội Bả trạo” của cụ Tú Nguyễn Diêu. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cho biết: Vở tuồng “Hát bội Bả trạo” hòa quyện giữa tâm linh và nghệ thuật, gồm ba hồi: Ra khơi đánh bắt; gặp bão tố nhờ cá Ông cứu giúp; khải hoàn trở về. Các nhân vật chính trong tuồng hát gồm: Tổng mũi (Tổng sanh), Tổng khoang (Tổng thương), buôn bán trên thuyền… và Tổng lái (tổng hậu). Các nhân vật được hóa trang theo lối tuồng cổ.

Cùng với Bả trạo, lễ hội cầu ngư ở Bình Định còn có nghệ thuật múa gươm. Nếu Bả trạo thể hiện tính văn thì múa gươm thể hiện tính võ. Do đó màu sắc trang phục, cách hóa trang, biểu diễn của 2 đội cũng khác nhau. Ngày nay, vẫn còn một số lăng gìn giữ được nghệ thuật múa gươm nhưng đặc sắc nhất phải kể đến đội gươm xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), đội gươm Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ). Nghệ thuật múa gươm biểu diễn bằng động tác múa, như: Xóc đao, chém kiếm, múa roi, dương cung… như đội quân đang đi trên thuyền ra khơi bảo vệ, hộ tống ông Nam Hải về nhập lăng Ông, vừa là những người biểu diễn nghệ thuật cho Ông.

Từ trong tâm thức

Mỗi nơi, lễ hội cầu ngư lại có những điểm khác nhau nhưng cứ đến lễ hội, dân làng, con em ở xa đều về đông đủ. Những năm gần đây, dù đời sống có nhiều thay đổi, lễ hội, văn hóa truyền thống bị ảnh hưởng nhưng lễ hội cầu ngư ở miền biển vẫn diễn ra với sự cổ vũ, hưởng ứng rất nhiệt tình của những người trẻ tuổi, họ hăng hái tham gia đội Bả trạo, đội múa gươm. Những người ở xa làm ăn khấm khá còn chung tay góp công, góp của với địa phương tổ chức lễ hội sao cho vui hơn, đầm ấm hơn.

Anh Trần Quốc Đại, người dân thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ đang sinh sống tại TP Vũng Tàu, chia sẻ: Tôi cũng như nhiều anh chị em khác, dù xa quê nhưng lòng ai cũng hướng về quê hương. Tôi cùng một số anh em đóng góp trùng tu lăng, sắm sanh một số trang phục biểu diễn để lễ hội ngày một thêm tươi vui.

Anh Nguyễn Kim Hoàng, Đội trưởng đội múa gươm xã Nhơn Hải, cho biết: “Lễ hội cầu ngư của xã là sự kiện lớn nhất trong năm của người dân địa phương. Anh em tham gia đội múa gươm đều quan niệm trên hết phục vụ thần, duy trì bản sắc văn hóa của cha ông nên rất nhiệt tình tham gia. Mặc dù khi tập luyện gặp nhiều khó khăn do lực lượng đội gươm mỗi người mỗi việc bị phân tán, nhưng phân nửa số anh em tham gia múa gươm từ 5 - 10 năm nên có thêm thành viên mới cũng rất dễ tập luyện để phục vụ lễ hội”.

Bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, điều cốt yếu để duy trì là sự trao truyền, một số nơi như thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), người hiểu rõ về Bả trạo, múa gươm đặc biệt là những vai diễn khó đã lớn tuổi, sức yếu. Đó là điều những nghệ nhân, người phụ trách đội Bả trạo, múa gươm như ông Hồ Thành Long (thôn Bình Thái), ông Nguyễn Xuân Thọ ( xã Nhơn Lý) vẫn đau đáu. Có lần nghệ nhân Hồ Thành Long chia sẻ: “Phải tìm được người trao truyền tôi mới yên tâm được”. Có lẽ, từ những tấm lòng như vậy, các loại hình trình thức trong lễ hội cầu ngư sẽ vẫn được duy trì./.

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT