Giao lưu văn hóa chầu văn Hương sắc Tây Nguyên
Chương trình giao lưu diễn ra trong không gian tâm linh đúng với không gian diễn xướng của loại hình âm nhạc chầu văn
Thờ Mẫu là tín ngưỡng lâu đời nhất của người Việt, thờ các Thánh Mẫu, các vị thần nam, thánh nữ, những người có công với Nhân dân, góp phần xây dựng cuộc sống, bảo vệ Tổ quốc và dành tâm sức vun đắp cho xã hội tốt đẹp từ ngàn xưa. Đây là loại hình sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa độc đáo. Năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO vinh danh, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi không chỉ nghi thức cúng lễ, tín ngưỡng thờ Mẫu còn chứa nhiều giá trị văn hóa như: Quan niệm, ứng xử văn hóa của con người với thiên nhiên, nâng niu, trân trọng thiên nhiên; đó là âm nhạc, ca từ, nghệ thuật trang trí, hóa trang, trang phục, vũ đạo, màu sắc; mối quan hệ, ứng xử văn hóa, các lớp lang giữa những người thực hành tín ngưỡng như: Giữa thầy – trò, giữa đồng đền – con nhang đệ tử, giữa những người thực hành với công chúng. Trong đó, hát chầu văn là loại hình âm nhạc dành riêng cho không gian tâm linh ở các miếu – điện – đền – phủ nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Mang theo tín ngưỡng truyền thống từ quê hương, nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh (Thôn 1, xã Gia Lâm, Lâm Hà) đã góp sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ trên quê mới Lâm Hà, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh cho biết, cùng với nghi thức hầu đồng, tín ngưỡng thờ Mẫu còn nhiều yếu tố kết hợp như trang phục, trang sức, màu sắc, âm nhạc, hát xướng, vũ đạo...; trong đó, hát chầu văn là loại hình diễn xướng đặc biệt gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Chương trình diễn ra trong không gian tâm linh, nhiều bài chầu văn được các nghệ nhân thể hiện như: Bát Tràng bản hương Thánh Mẫu, Cậu Quận Sòng sơn, Mười hai cô tiên, Cậu thả lưới, Cậu Quận, Cô Cả, Cô Đôi thượng ngàn, Cô Chín, Cô Suối ngang, Cô Ba Cam Đường... Lời ca hòa quyện vào các loại hình âm nhạc, vũ đạo, đạo cụ như cờ, đao, chèo, quạt, múa bộ, vừa nghiêm trang, đĩnh đạc, nhẹ nhàng, khoan thai, đẹp mà vẫn tôn nghiêm, đài các mà vẫn gần gũi. Cùng thưởng thức văn đàn nhã nhạc, chấp ngôn tấu đối của bách gia, ban thưởng cung văn, thừa lời truyền phán với nội dung chứng giám lòng thành mọi người, ban phúc lành, phù trợ quốc thái, dân an, chúng nhân cát khánh. Qua đó, bách gia đệ tử, các nghệ nhân đã cầu bình an cho gia đình, cộng đồng, đất nước đẩy lùi dịch bệnh... đã tạo nên chốn thiêng nơi cõi thực.
Được biết, trên thế giới, hiếm có tín ngưỡng thể hiện rõ tâm tư, tình cảm, đạo đức của một dân tộc như tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ấy là nhân sinh quan tích cực hướng đến mong muốn, tâm nguyện tốt đẹp dành cho bản thân, gia đình ngay trong đời sống thực tại; từ đó làm toát lên những giá trị đẹp về truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng dân tộc... Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu còn được coi như bảo tàng văn hóa sống của người Việt, nơi có thể tìm thấy cả kho tàng truyền thuyết, thần tích, thần thoại về các vị thánh, thần...; tính đa dạng của các hình thức văn học truyền miệng, nghệ thuật kiến trúc, trang trí mỹ thuật, diễn xướng âm nhạc, ca hát, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại xuất hiện nhiều biểu hiện biến tướng, tín ngưỡng thờ Mẫu có lúc, có nơi bị lợi dụng để bói toán, mê tín dị đoan. Một bộ phận công chúng hiểu chưa đủ, chưa đúng về giá trị và thực thành nghi lễ khiến các nghệ nhân nặng lòng với loại hình tín ngưỡng này luôn mong muốn quảng bá đầy đủ một loại hình tín ngưỡng nội sinh của người Việt; từ đó kéo gần công chúng đến với những giá trị gốc của di sản.
Chương trình giao lưu đã góp phần định hình một cộng đồng những người thực hành di sản tín ngưỡng đúng đắn, lành mạnh, không làm sai lệch văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và làm lan tỏa giá trị đích thực của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ở Lâm Đồng và Tây Nguyên.