Non nước Việt Nam

Mèo Vạc giữ gìn kiến trúc nhà truyền thống

Cập nhật: 19/04/2021 09:32:45
Số lần đọc: 874
Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Để tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân, các địa phương chú trọng giữ gìn kiến trúc nhà truyền thống gắn với phát triển ngành “công nghiệp không khói” theo hướng du lịch trải nghiệm.


Nhà ở truyền thống dân tộc Mông tại xã Pả Vi (Mèo Vạc) thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, huyện quan tâm bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nổi bật như: Lễ hội Chợ tình Khâu Vai gắn với Ngày hội văn hóa dân tộc Nùng; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, dân tộc Lô Lô… được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo du khách. Các hoạt động văn hóa, thể thao, rèn luyện sức khỏe diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư, hoạt động hiệu quả; số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt 106/199 thôn; tỷ lệ thôn đạt chuẩn văn hóa đến cuối năm 2020 đạt 56,28%; mạng lưới thông tin, truyền thông được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu truyền tải thông tin của huyện, tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%...

Tuy nhiên có thể thấy rõ, trước tác động của xu thế hội nhập và sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi, biến dạng một số nét văn hóa truyền thống, như: Trang phục, kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc; những ngôi nhà trình tường, nhà sàn lợp ngói âm dương được thay thế bằng những ngôi nhà xây bằng gạch, mái lợp prô xi-măng hay lợp tôn gây ảnh hưởng lớn đến không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc địa phương. Qua rà soát, đến nay toàn huyện Mèo Vạc có trên 15.100 nhà ở; trong đó, trên 9.290 nhà xây dựng kiên cố (từ cấp 4 trở lên), 171 nhà ở trình tường và 146 nhà sàn truyền thống đã xuống cấp. Trước tình trạng đời sống người dân nhiều khó khăn, nguồn ngân sách hạn hẹp nên để giữ gìn kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc là bài toán khó đặt ra cho các cơ quan chức năng ở Mèo Vạc.

Đồng chí Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Huyện xác định việc bảo tồn văn hóa kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với xây dựng Công viên Địa chất là bước đi đúng đắn và cần thiết trong phát triển du lịch bền vững, tạo nét văn hóa mang đậm bản sắc riêng của các dân tộc, góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Do đó, huyện chú trọng xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng, duy trì tốt hoạt động của các Hội nghệ nhân dân gian để bảo tồn văn hóa truyền thống bản địa các dân tộc. Mặt khác, tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng giữ gìn, bảo tồn và xây dựng nhà ở theo đúng kiến trúc truyền thống của dân tộc mình. Tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế, chính sách của huyện, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng trong công tác bảo tồn văn hóa nhà ở truyền thống. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo phát triển KT - XH của địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo tồn nhà ở truyền thống gắn với phát triển du lịch. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, Bí thư chi bộ và trưởng thôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc bảo tồn nhà ở truyền thống. Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia tuyên truyền, vận động các hộ dân cam kết không phá dỡ nhà truyền thống để xây dựng nhà ở bằng vật liệu khác. Các xã, thị trấn đưa nội dung bảo tồn nhà ở truyền thống vào hương ước, quy ước của thôn để nhân dân đồng thuận thực hiện hiệu quả. Khảo sát, bảo tồn nhà ở truyền thống các dân tộc tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng; khảo sát khu vực nhà dân cần đưa vào diện bảo tồn; tập trung quy hoạch, bảo tồn nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc: Mông, Dao, Lô Lô, Nùng, Giáy... tại các xã có làng văn hóa du lịch cộng đồng và khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện; thành lập các tổ khảo sát thực trạng nhà ở và xây dựng thiết kế mẫu nhà ở truyền thống phù hợp với điều kiện sống và sinh hoạt của mỗi dân tộc.

Với việc vận dụng linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách; lồng ghép chương trình xây dựng NTM, đề án, dự án phát triển KT- XH để triển khai công tác bảo tồn nhà ở truyền thống; bố trí kinh phí hỗ trợ trùng tu, sửa chữa theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; đẩy mạnh xã hội hóa bảo tồn nhà ở truyền thống của các dân tộc… đang giúp Mèo Vạc có thêm điều kiện đầu tư xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT