Khai mạc Lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2021
Tái hiện ba trận thủy chiến hào hùng chống quân xâm lược phương Bắc
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021 khai mạc ngay tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà (thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng) địa bàn phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên.
Bên bờ sông Bạch Đằng, hàng ngàn người dân Quảng Ninh và du khách như sống lại không khí lịch sử qua màn Khai hội truyền thống Bạch Đằng với chương trình nghệ thuật sử thi chủ đề “Bạch Đằng - Bản anh hùng ca của dân tộc” tái hiện ba trận thủy chiến hào hùng chống quân xâm lược phương Bắc của Ngô Quyền chống quân Nam Hán năm 938, của Lê Đại Hành chống quân Tống năm 981 và của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông năm 1288.
Sôi động nhất là Lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo với sự tham gia của hàng chục đoàn rước từ đền về đình Yên Giang. Đoàn rước kéo dài hàng cây số. Hai bên đường nơi đoàn rước đi qua, các gia đình đều sắm sửa chu đáo mâm lễ cúng trước nhà để tưởng nhớ công lao và sự hy sinh của tiền nhân làm nên những chiến thắng hào hùng đi vào lịch sử dân tộc.
“Chúng tôi lúc nào cũng rất mong muốn, háo hức được đến ngày lễ hội để cùng tham gia sự kiện, cũng là tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc. Cá nhân tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào và cũng hy vọng đến thế hệ chúng tôi hay những thế hệ sau này nữa cũng mãi mãi nốt gót, tiếp nối được truyền thống này để tổ chức những lễ hội như thế này”.
“Chúng tôi rất tự hào về sông Bạch Đằng của chúng tôi. Mỗi khi lễ hội, chúng tôi đều đi để vui mừng, cùng nhau nhớ lại thời xưa, khắc ghi công ơn của các cụ để lại. Chúng tôi rất mong muốn các cán bộ, lãnh đạo gìn giữ di tích của quê hương chúng tôi, để truyền thống kéo dài sau này và mãi mãi”.
Với tầm vóc lịch sử to lớn, khu di tích Bạch Đằng đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội truyền thống Bạch Đằng được tổ chức vào tháng 3 Âm lịch hàng năm cũng đang được đề nghị là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam cho biết: “Chúng tôi xuống đây muốn làm hồ sơ để đưa lễ hội này trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia để vinh danh nó. Vì lễ hội này vừa kết hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc nhưng đồng thời cũng vinh danh chiến thắng của dân tộc ta. Muốn phát triển lễ hội này tốt nhất, người dân phải giữ được truyền thống của mình, và đồng thời phải được sự bảo trợ của chính quyền, đặc biệt là ngành văn hóa. Khi họ giữ được như vậy qua việc tổ chức lễ hội hằng năm, tất nhiên đó sẽ trở thành một truyền thống tốt đẹp, khi đó lễ hội này sẽ luôn luôn tồn tại vì nó tồn tại cùng với lịch sử và cùng với những vinh quang của cả dân tộc chứ không của riêng một mảnh đất nào”.
Cùng với nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức trong Lễ hội truyền thống Bạch Đằng, chính quyền và ngành du lịch Quảng Ninh cũng tổ chức lồng ghép nhiều hoạt động kích cầu, kết nối du lịch hướng tới mục tiêu đón 10 triệu lượt khách trong năm nay./.
Duy Thái/VOV-Đông Bắc