Gìn giữ sắc màu thổ cẩm người Ê Đê trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân tộc
Theo Kế hoạch, lớp tập huấn được tổ chức 04 ngày, trong Quý II,III/2023 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên với sự tham dự của 10 nghệ nhân truyền dạy và 80 học viên, gồm các chuyên đề: Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Sắc màu thổ cẩm người Ê Đê trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và dưới tác động của sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tình hình nghề dệt cổ truyền của người Ê Đê; Tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt truyền thống của người Ê Đê gắn với phát triển du lịch. Quy trình thực hành nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê Đê. Thực trạng phát triển văn hóa du lịch cộng đồng; định hướng phát triển văn hóa du lịch cộng đồng trong thời gian tới; phát huy vai trò của nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư các điểm du lịch, cán bộ công chức văn hóa xã, các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của người Ê Đê phục vụ phát triển du lịch. Các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê cùng với phát triển du lịch của địa phương.
Qua lớp tập huấn sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức văn hóa xã, các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch tại địa phương về công tác quản lý văn hóa ở cơ sở; trang bị kiến thức cơ bản để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch ở địa phương. Đồng thời nâng cao ý thức, niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; động viên, khuyến khích đồng bào bảo vệ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay; phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; Động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa; phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống./.
PV