Giữ nghề nón làng Chuông ở Hà Nội
Hướng dẫn lứa măng non giữ nghề truyền thống.
Kiên trì giữ “hồn” nghề
Chị Tạ Thu Hương, sinh năm 1968, biết làm nón từ khi lên sáu tuổi, đến nay đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề nón. Những năm khó khăn nhất, khi không mấy người còn thiết tha làm nón, chị cùng gia đình thu gom nón mang ra bán ở trung tâm thành phố. Quan sát cách người ta bán nón cho du khách ở Bờ Hồ, chị nảy ra ý định đưa nón lá Việt ra ngoài biên giới. Tình cờ vào năm 1988, chị kết nối được với một khách hàng có nhu cầu đặt gần 10 nghìn chiếc nón để mang ra nước ngoài, thời gian giao hàng trong vòng một tháng.
Lần đầu nhận được đơn hàng lớn, chị Hương không khỏi lo lắng, nhưng với quyết tâm và sự tự tin vững nghề, chị đã vận động từng nhà trong làng ủng hộ. Đơn hàng đầu tiên được giao đúng thời gian và chất lượng bảo đảm… mang lại cho gia đình chị thu nhập và là động lực to lớn để tiếp tục giữ nghề. Rồi nhờ nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng trên thị trường, chị Hương đã cách tân chiếc nón lá. Chị mua lụa Hà Ðông về, tiến hành một số công đoạn xử lý để lụa dai hơn, bền mầu hơn, dùng để phủ bên ngoài chiếc nón. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, sản phẩm nón lụa đầu tiên ra đời khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi chất tơ lụa óng ả, có độ bóng, tôn vẻ sang trọng, độc đáo và càng trở nên duyên dáng hơn khi kết hợp bộ áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Năm 2017, chị Hương giới thiệu sản phẩm nón lụa ra thị trường và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Những chiếc nón lụa nhanh chóng theo chân du khách quốc tế mang hình ảnh văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Mỗi tháng doanh nghiệp của chị Hương xuất khẩu khoảng 30 nghìn chiếc nón sang các nước Nhật Bản, Pháp, Nga, Thái-lan, Hàn Quốc... Cùng với đó, chị còn tổ chức đón khách du lịch từ các công ty lữ hành đến làng Chuông để tham quan. Không ít tour du lịch thăm làng nghề kết thúc bằng các lễ ký kết hợp đồng ngay tại làng. Chị Nhật Anh, khách mua hàng đến từ Cao Bằng cho biết: Lần đầu tôi đặt chân đến làng Chuông, có cảm giác rất yên bình và thư thái. Tôi rất ngạc nhiên khi các em còn rất nhỏ mà đã biết khâu nón. Nón ở đây đẹp, chắc chắn. Tôi đã mua về tặng người thân và quảng bá với khách du lịch đến quê hương tôi.
Bà Phan Thị Nhung (87 tuổi), là một trong những người gắn bó với nghề từ khi còn ấu thơ chia sẻ: Trong các công đoạn của nghề làm nón, việc khâu nón giữ vai trò rất quan trọng, bởi nó quyết định vẻ đẹp về hình dáng của chiếc nón. Đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Rồi đến công đoạn xử lý lá nón, người ta lấy lá nón non còn búp, chưa xòe ra hẳn, về phơi khô hai đến ba nắng, rồi đem ủi phẳng. Khi ủi phải dùng khăn nhúng nước, hơ trên lửa cho nóng trước khi chà nhẹ lên lá cho thẳng. Xong công đoạn này, các nghệ nhân mới bắt đầu xếp lá nón lên khung để hoàn thành sản phẩm. Tất cả các công đoạn của quá trình làm nón đều đòi hỏi sự công phu, tình yêu nghề của người thợ thì mới có được sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Còn gian nan
Theo Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Việt Hùng, làng Chuông có khoảng 2.400 hộ làm nón, giá một chiếc nón lá trên thị trường dao động từ 30 - 40 nghìn đồng, còn nón lụa cách tân khoảng từ 150 - 200 nghìn/chiếc. Nghề làm nón truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động những lúc nông nhàn.
Tuy nhiên, làm nón là nghề thủ công, qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn, tốn nhiều công sức, nhưng thu nhập của người làm lại không cao. Những năm gần đây, trên tiến trình phát triển đô thị hóa, huyện Thanh Oai xuất hiện thêm nhiều làng nghề mới đem lại thu nhập cao hơn so nghề làm nón nên nhiều hộ gia đình đã chuyển sang làm ngành nghề khác. Số hộ gia đình còn trụ lại với nghề làm nón ngày càng ít. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến nhiều cơ sở làm nón lao đao.
Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, đóng góp quan trọng vào việc giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Hằng năm sở đều phối hợp các quận, huyện tổ chức các lớp truyền nghề, thủ công mỹ nghệ (TCMN) cho hàng nghìn lao động. Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hàng TCMN, tham gia một số hội chợ quốc tế chuyên ngành TCMN trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, hiện công tác phát triển nghề, làng nghề còn nhiều bất cập như trình độ quản lý và tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thực tế cho thấy, các cơ quan quản lý đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho làng nghề, tuy nhiên để thật sự thiết thực và có ý nghĩa thì cần có lộ trình bài bản, dài hơi, đẩy mạnh việc xã hội hóa các làng nghề, để tạo thêm động lực, cũng như nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình hội nhập, nón làng Chuông cần có kế hoạch phát triển rõ ràng, phù hợp để lưu giữ, duy trì phát triển nghề truyền thống đáng quý, bền vững.