Lấp lóa nón làng Rền
Làng Rền cách khu Di tích lịch sử Đền Hùng khoảng hơn 20km, nép mình bên sông Lô hiền hòa. Đến nhà nào cũng thấy cảnh nón trắng xếp thành chồng trong nhà, ngoài hiên. Nhiều du khách say sưa chụp ảnh, có người cùng tham gia làm nón với gia chủ. Hỏi ra, làng nghề nón lá này đã có tuổi đời gần 100 năm, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2005, làng nghề nón lá Gia Thanh được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề truyền thống. Hiện nay có tới 80% dân số của làng theo nghề. Từ các cháu nhỏ tới cụ già, ai cũng tay kim, tay chỉ. Đặc biệt, những người nông dân chăm chỉ nơi đây rất nhiệt tình, sẵn sàng đón tiếp khách tham quan.
Đến nhà bà Hán Thị Bằng, cháu ngoại của cụ Nguyễn Hoàng Sen (người cùng chồng mang nghề nón lá về xã Gia Thanh), chúng tôi được bà chia sẻ về kỹ thuật nghề mà bà ví von là góp phần chăm chút cho “vóc con người”, đặc biệt là người phụ nữ. Bà Bằng bảo, nón làng Rền được làm từ lá cọ của vùng trung du Phú Thọ, nên có “chất riêng” là nón chẳng những bền, lại rất trắng, người phụ nữ đội lên tạo thêm sự thanh thoát, trẻ trung. Muốn làm được nón đạt chuẩn, thì việc chọn lá phải đạt chuẩn. Phải chọn lá cọ có mầu trắng xanh và gân lá cũng mầu xanh, sau đó sấy khô theo đúng kỹ thuật trên bếp than, không phơi nắng, sấy xong thì đem đi phơi sương khoảng hai đến bốn giờ cho lá mềm. Sau đó dùng búi vải nóng để ủi từng chiếc cho phẳng. Ngoài ra, sự khéo léo của người thợ còn nằm ở các công đoạn như xây vành nón, làm quai nón, may nón, nức vành, mạng chóp, nức nón… Nhờ kỹ thuật và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, người làng Rền đã tạo ra những chiếc nón đầy thẩm mỹ, khách du lịch vì thế mà thích thú khi được trải nghiệm, làm ra chiếc nón cho riêng mình.
Tạm biệt làng Rền trong nắng chiều đổ dài triền đê sông Lô, nắng phía bên làng như nghiêng mình theo câu thơ của cụ Hán Thị Bằng: “Công nhận làng nghề/ Niềm vinh dự đó thuộc về khu ba/ Nghề này học ở đâu xa/ Tổ tiên đem lại quê nhà dưới Chuông/ Cụ đi xây dựng quê hương/ Xây dựng hạnh phúc cội nguồn Gia Thanh/ Nghề nón từ đó phát hành/ Để lại con cháu lưu truyền về sau/ Kim chỉ nó phải có đầu/ Nếu không có cội lấy đâu có cành”...
TRẦN MAI