Non nước Việt Nam

Thanh Hóa: Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Cập nhật: 26/08/2020 12:25:19
Số lần đọc: 1198
Không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng sản phẩm, phần lớn các làng nghề truyền thống của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn lưu giữ những nét đẹp truyền thống thông qua các phong tục, tập quán và lễ hội. Nhất là, nhiều làng nghề nằm trên các tuyến du lịch của tỉnh, thuận lợi cho việc đưa khách đến tìm hiểu, tham quan. Thế nhưng loại hình du lịch này vẫn chưa được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm đầu tư khai thác nên các làng nghề hiện vẫn vắng bóng du khách.  


Sản phẩm đồ mộc mỹ nghệ tại một cơ sở sản xuất ở xã Hoằng Hà (Hoàng Hóa).

Toàn tỉnh hiện có 36 nghề, với 118 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình làng nghề gắn với du lịch để phát triển còn hạn chế, chưa thu hút được khách du lịch đến tham quan. Làng nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) với các sản phẩm nổi tiếng, như: Hoành phi, cuốn thư, câu đối và các đồ thờ rất tinh xảo... Ngày nay, để bắt nhịp kinh tế thị trường, ngoài giữ vững và duy trì các nghề truyền thống, người làm nghề mộc ở Đạt Tài còn chuyển sang đóng bàn ghế, tủ... theo nhu cầu của khách hàng. Tuy có nhiều thuận lợi để phát triển là điểm thu hút khách du lịch đến tham quan nhưng làng nghề vẫn đang vắng bóng du khách ghé thăm.

So với mộc Đạt Tài, làng nghề đúc đồng Chè Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đã có nhiều động thái tích cực để thu hút khách tham quan, mua sắm sản phẩm... Địa phương có khu sản xuất làng nghề tập trung, diện tích 5 ha, vị trí thuận lợi cho du khách và đã có 32 hộ tham gia sản xuất nghề. Bên cạnh đó, xã cũng có khu trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, diện tích 1.000m2 thuận lợi cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hình ảnh làng nghề được địa phương và các hộ làm nghề quan tâm. Thông qua website của xã và hộ làm nghề, hình ảnh làng nghề đúc đồng Thiệu Trung đã đến được đông đảo người dân cả nước. Mặc dù có nhiều động thái tích cực và xã Thiệu Trung lại nằm trên tuyến du lịch theo hành trình từ TP Thanh Hóa - Vĩnh Lộc - Cẩm Thủy - Bá Thước. Song làng nghề đúc đồng Thiệu Trung cũng chưa thu hút được khách du lịch đến tham quan.

Có thể thấy, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Các làng nghề truyền thống vẫn chỉ hoạt động ở phạm vi nhỏ trong gia đình, trong thôn, làng, chứ chưa mở rộng ra bên ngoài, chính vì vậy khách du lịch ít có cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm với các sản phẩm du lịch làng nghề. Cùng với đó, phần lớn các hộ gia đình sản xuất tại các làng nghề chỉ quan tâm đến thị trường tiêu dùng thuần túy, việc tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, xây dựng không gian trình diễn và trưng bày phù hợp để thu hút khách du lịch đến với làng nghề thì chưa có. Hơn nữa, làng nghề truyền thống của tỉnh chưa thực sự phát triển, số hộ lao động làm nghề trong các làng ít, nhiều làng nghề chưa thực sự sống bằng nghề, không khí làm nghề trong một số làng nghề trầm lắng gây khó khăn trong thu hút khách du lịch. Cơ sở hạ tầng vật chất như đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, môi trường đang gặp khó khăn. Các làng nghề chưa được đầu tư mở rộng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm, chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Vì vậy, sự đầu tư của làng nghề cho việc phát triển du lịch cũng chưa có, sản phẩm làng nghề đơn điệu, nhỏ lẻ và kém hấp dẫn du khách. Mặt khác, việc kết nối giữa các làng nghề truyền thống với các công ty, đơn vị lữ hành còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng tour du lịch làng nghề, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Làng nghề truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Để các nghề và làng nghề truyền thống phát triển cần có các chính sách hỗ trợ trong việc quy hoạch, phát triển, đăng ký thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, các làng nghề cần phải cải tiến, đổi mới mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra ổn định cho các sản phẩm và các làng nghề truyền thống cũng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách đến tham quan. Lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của đất và người Thanh Hóa tiến hành xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành khi đầu tư vào khai thác sản phẩm du lịch để họ xây dựng sản phẩm du lịch. Có như vậy, các nghề và làng nghề truyền thống mới tồn tại và phát triển ổn định, bền vững.

 

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT