Thăm làng nghề đúc đồng trăm tuổi ở ngoại thành Nha Trang
Đồng sau khi được đổ vào khuôn chỉ mất khoảng 30 phút để cứng trở lại
Không nhiều người nhớ chính xác làng nghề truyền thống này đã bao nhiêu tuổi nhưng một số nghệ nhân lão làng nói rằng từ thời cha ông của họ, nghề đúc đồng nơi đây đã hình thành. Hàng trăm năm qua, làng nghề luôn đỏ lửa và không khí sản xuất càng thêm tấp nập, nhộn nhịp vào mùa lễ tết hoặc mùa Vu Lan báo hiếu hàng năm.
Nhìn tuy đơn giản nhưng để hoàn thành được một sản phẩm hoàn thiện trải qua biết bao công đoạn. Thế nên, ở trong làng nghề, người ta nghiễm nhiên phân định từng công đoạn cho từng gia đình, có gia đình chuyên đúc khuôn, hộ chuyên nấu chảy đồng rót vào khuôn, có gia đình chế tác hoàn thiện cho sản phẩm hoặc chuyên đánh bóng đồ đồng trước khi tới tay người tiêu dùng.
Nghệ nhân Trần Thiện dù đã 65 tuổi nhưng vẫn miệt mài hoàn thiện cho sản phẩm đồng của làng nghề truyền thống
Nghệ nhân Trần Thiện (65 tuổi, tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) kể, ông không biết chính xác nghề đúc đồng ở đây có từ khi nào nhưng từ lúc ông nội, ông ngoại của ông đã đúc đồng. Sau này, nghề đúc đồng được truyền lại cho cha ông, rồi tới cậu ông và tới ông như hiện nay.
Theo thống kê, hiện toàn làng nghề đúc đồng Phú Lộc có khoảng 40 hộ còn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề thường là những mặt hàng phục vụ việc thờ cúng trong gia đình. Đó là lư hương, bộ chân đèn, lục bình, đài đựng nước… với mức giá từ 2,5 triệu đồng trở lên cho một bộ tuỳ kích cỡ. Nghệ nhân Trần Vĩnh Thảnh (làng nghề đúc đồng Phú Lộc, huyện Diên Khánh) cho biết, công đoạn làm khuôn đất là mất thời gian và quan trọng nhất, trung bình một bộ khuôn đất phải làm mất một ngày, tổng cộng phải mất 3 ngày mới cho ra một bộ sản phẩm đồng hoàn chỉnh.
Được xem là làng nghề truyền thống lâu đời và có tiếng ở vùng Nam Trung bộ, sản phẩm đồng của Phú Lộc không chỉ tiêu thụ ngay tại Khánh Hòa mà còn xuất bán đến nhiều tỉnh, thành miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận… Để hỗ trợ người dân phát huy nghề truyền thống, địa phương đã thành lập Hợp tác xã đúc Phú Lộc nhằm góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, khẳng định thương hiệu cho làng nghề lâu đời này./.