Nơi Trung thu đến sớm làng Ông Hảo (Hưng Yên)
Đến chính vụ làm đồ chơi, từ cổng làng Ông Hảo, du khách đã cảm nhận được không khí rộn ràng với tiếng đục đẽo, tiếng trống, tiếng cười nói của mọi người. Sức sống của làng nghề truyền thống hiện hữu trong từng đường làng, ngõ xóm. Những nơi có thể đón nắng, từ khoảng sân rộng trước nhà, bức tường hay con đường trong thôn đều xếp chật kín những khúc gỗ làm trống hay phơi mặt nạ giấy bồi. Bên hiên nhà, những nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề cần mẫn đục đẽo, tô mầu để hoàn thiện các sản phẩm cuối cùng.
Những đồ chơi Trung thu làng Ông Hảo đều được làm từ nguyên liệu thiên nhiên. Tre nứa làm đèn ông sao, đèn kéo quân, gỗ và da trâu làm trống còn bìa và giấy báo phế liệu được “phù phép” để trở thành mặt nạ giấy bồi. Ngay cả keo dùng để bồi giấy cũng làm từ bột sắn quấy đặc, thân thiện với người dùng.
Không chỉ có mặt nạ chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm quen thuộc, người làng Ông Hảo có thể làm ra hơn 20 loại mặt nạ khác nhau, kích cỡ to, nhỏ tùy thuộc sở thích của các khách hàng “nhí”. Du khách tới làng đều muốn tự tay làm những đồ chơi rực rỡ sắc mầu. Không có bí quyết gia truyền, khách có thể tham gia các công đoạn theo sự hướng dẫn của những người thợ thủ công lành nghề.
Thú vị nhất là công đoạn bồi giấy, vẽ mặt nạ hoặc căng da, đóng trống; còn kỳ công nhất là làm đầu lân. Loại sản phẩm này thường phải là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm để nhấn vào các chi tiết râu, mắt sao cho sống động, có hồn. Cuốn theo nét vẽ của người thợ, khách cũng quên thời gian, ngồi ngắm nhìn hàng giờ để thấy được nét thần thái của những sản phẩm tưởng như vô tri.
Nghe tiếng thử trống rộn ràng vui tai, cầm trên tay những mặt nạ giấy bồi đã khô đanh hay tìm thấy trái thị, trái bòng ở chợ cóc đầu làng, mỗi người đều cảm thấy Trung thu đang tới rất gần. Ký ức tuổi thơ với những đêm “trông trăng” lại hiện hữu trước mặt. Không khí ấy lý giải vì sao làng Ông Hảo lại trở thành nơi đón Trung thu sớm nhất cả nước./.