Non nước Việt Nam

Làng mộc Kim Bồng (Quảng Nam) - dấu ấn những người thợ tài hoa

Cập nhật: 14/09/2020 13:49:28
Số lần đọc: 1098
Làng mộc Kim Bồng tọa lạc ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển, thuộc xã Cẩm Kim, TP. Hội An (Quảng Nam).


Những người thợ mộc tài hoa của làng Kim Bồng chế tác sản phẩm với hoa văn tinh xảo

Đây là một trong những làng nghề nổi tiếng của Hội An ghi dấu nhiều công trình nghệ thuật và những giá trị văn hóa đặc sắc còn lưu lại đến ngay nay, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Làng nghề được sáng lập từ thế kỉ 15 do ông tổ là người Thanh Hóa di cư vào Nam dừng chân tại đất Kim Bồng tức tại Cẩm Kim – Hội An thời bấy giờ. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, nghề mộc Kim Bồng phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm rõ rệt: Nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc. Làng Mộc Kim Bồng là điểm đến của nhiều thương nhân trong nước và quốc tế.

Du khách đến đây sẽ được tận mắt ngắm hình ảnh những nghệ nhân với bàn tay tài hoa khéo léo, cần mẫn đục, khoan để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt, mang tính nghệ thuật và giá trị văn hóa cao. Những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cuộc sống con người như: Con trâu, người nông dân, cây tre, con đò hay cả những đồ vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình... Tất cả được chạm khắc bởi những hoa văn, họa tiết hoa lá cành giản dị, đậm chất văn hóa của con người Hội An.

Kỹ thuật và kỹ năng chế tác của thợ làng Kim Bồng xưa kia được thể hiện qua hàng vạn công trình nhà cửa và kiến trúc khắp cả nước. Tại đô thị cổ Hội An, các công trình hội quán, chùa chiền, đình làng, nhà thờ, là nơi minh chứng rõ nhất tài nghệ đắp vẽ, trang trí nội ngoại thất. Những tác phẩm chim công múa, lý ngư vọng nguyệt, các đức thánh, các linh vật long-lân-quy-phụng đều do thợ Kim Bồng thực hiện. Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm. Với bàn tay khéo léo và nghệ thuật tài hoa của mình, thợ mộc làng Kim Bồng đã góp phần tạo nên một phố cổ Hội An cổ kính đầy quyến rũ.

Ngày nay, trên đất Kim bồng đã có danh hiệu nghệ nhân cho một số thợ mộc lành nghề. Đặc biệt ở đây, nghề đóng thuyền đi biển trọng tải 10 tấn đến 20 tấn cho khách hàng từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Bình Thuận khá phát triển. Bên cạnh đó, những hiệp thợ Kim Bồng còn tích cực góp phần trong công cuộc bảo vệ, trùng tu-tôn tạo di tích đô thị cổ Hội An.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề mộc Kim Bồng vẫn tồn tại và phát triển với những nét tinh hoa và vẻ đẹp đặc sắc. Chính vì vậy, nghề mộc Kim Bồng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT