Làng cổ bên dòng Lô
Lễ hội đình Hùng Lô. Ảnh Việt Thắng
Làng cổ Hùng Lô chỉ cách Đền Hùng chừng 10 km. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận từ năm 1990. Địa điểm đầu tiên trong chuyến hành trình khám phá Hùng Lô là Đình Hùng Lô-quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, gồm nhiều hạng mục công trình như: Tòa Đại đình, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà tiền tế... Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu...
Nghề làm mỳ, miến truyền thống ở Hùng Lô
Khám phá đình Hùng Lô, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, là những chi tiết điêu khắc gỗ, được sáng tạo bằng kỹ nghệ chạm bong, một nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê. Đây là những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, quý hiếm, chủ yếu tập trung ở tòa Đại đình. Nơi đây cũng còn lưu giữ được hệ thống các đồ thờ tự phục vụ cho nghi lễ thờ cúng đầy đủ nhất; đặc biệt là hệ thống câu đối cổ rất phong phú với 43 câu đối ca ngợi cảnh trí quê hương và công đức vua Hùng. Phần lớn những đồ thờ cổ đều có niên đại trên 300 năm, tiêu biểu là 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng, những khí tự lễ hội. Người Hùng Lô luôn tự hào mỗi năm vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng các kiệu văn, kiệu cống đều được sử dụng trong lễ rước kiệu của các xã vùng ven thành phố Việt Trì. Những năm trở lại đây, từ khi được đưa vào phục vụ tham quan, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, du khách đặt lịch đến thăm đình Hùng Lô còn được phục vụ hát Xoan ngay tại cửa đình.
Cùng với ngôi đình cổ với những giá trị lịch sử trường tồn với thời gian là gần 50 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100 đến 200 năm. Ngày hè khi bước vào những ngôi nhà được làm từ gỗ, tre, nứa được chạm khắc các biểu tượng như long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai có cái cảm giác mát rượi. Các ngôi nhà hầu như được thiết kế theo kiểu ba gian với hệ thống cửa sổ, cửa ra vào thông thoáng, phía trước là sân rộng. Hiện nơi đây đã có một số gia đình kinh doanh du lịch homestay, cho khách tham quan kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống.
Là ngôi làng cổ nên Hùng Lô vẫn giữ được nhiều nghề truyền thống. Dọc những con đường quanh co của làng, du khách dễ dàng bắt gặp những khoảng sân rộng phơi mỳ, miến. Các sản phẩm bún, mỳ, miến của Hùng Lô đã vươn xa, với thương hiệu mà nhiều du khách mỗi dịp ghé qua đều mua để làm quà. Đó là ngày thường, còn vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người lại tìm đến với Hùng Lô bởi những chiếc bánh chưng được các gia đình làm hàng ngày, nhưng Tết Nguyên đán là nhộn nhịp nhất. Đó đều là những nghề gia truyền mà dù cuộc sống có đổi thay thì nhiều gia đình vẫn gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của làng.
Khách du lịch đến thăm quan nhà cổ tại Hùng Lô
Nếu đã có thời gian để thăm thú quanh ngôi làng cổ, nếu may mắn đúng phiên chính, du khách sẽ được hòa mình vào không khí của chợ quê với những đặc sản đậm chất nông thôn. Hàng hóa rất đa dạng nhưng khổng thể thiếu sản phẩm của làng là mỳ, miến, những chiếc bánh đa được người bán quạt ngay tại chợ, thơm phức ròn tan. Trong phiên chợ chính, khách hàng còn có cơ hội mua những sản phẩm thủ công làm từ mây tre phục vụ đời sống sinh hoạt như: Thúng, mủng, nong nia….Tồn tại qua hàng trăm năm, giữa nhịp sống ồn ào của đô thị, chợ Hùng Lô vẫn mang hơi thở của phiên chợ quê.
Vòng quanh làng Hùng Lô để cảm nhận những nét văn hóa tinh túy được kết tinh hàng trăm năm nay, dù trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng ngôi làng bên dòng Lô giang vẫn giữ những nét văn hóa thuần việt đó, để mỗi người dân vùng đất Tổ nói riêng và du khách thập phương nói chung có dịp ghé thăm.
Thu Hà