Hà Giang: Quản Bạ, Đồng Văn nhiều giải pháp thu hút đầu tư
Thời gian qua, huyện Quản Bạ đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công khai quy hoạch, danh mục những lĩnh vực ưu tiên, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Khu nghỉ dưỡng sinh thái Đồng Văn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Với vị trí “cửa ngõ” Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, Quản Bạ có lợi thế về phát triển du lịch với các điểm du lịch đang được khai thác hiệu quả, như: Thạch Sơn Thần, điểm dừng chân Cổng trời, Núi Đôi, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ; làng nghề thêu dệt vải lanh dân tộc Mông tại các xã: Cán Tỷ, Lùng Tám,… hằng năm, có gần 100 nghìn lượt khách đến tham quan. Để đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch, huyện đã làm tốt công tác kêu gọi, thu hút đầu tư từ các nguồn vốn, bằng cách tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến đầu tư vào các loại hình phát triển du lịch, như: Giải quyết nhanh chóng thủ tục cho thuê đất, giao đất; miễn, giảm tiền thuê đất công theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước,… để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến đầu tư cơ sở hạ tầng về khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, sản phẩm du lịch, dịch vụ.
Đến nay, huyện đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng đền Bình An tại thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng; thu hút đầu tư dự án Làng Văn hóa dân tộc Mông tại xã Cán Tỷ, Đông Hà với quy mô trên 20 ha. Bên cạnh đó, huyện đã lên danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư: Tổ hợp khu vui chơi, giải trí cao cấp huyện Quản Bạ; dự án đầu tư xây dựng khách sạn 4 sao tại Quản Bạ; dự án đầu tư xây dựng khách sạn sinh thái; dự án xây dựng sân golf 9 lỗ; dự án chợ trung tâm huyện Quản Bạ. Qua đó, giúp các nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn các dự án đầu tư, tạo các điểm nhấn về vui chơi, giải trí cho du khách đến thăm quan, du lịch tại huyện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã thu hút các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) tham gia đầu tư trồng và chế biến dược liệu. Các HTX đã sản xuất, chế biến được các sản phẩm dược liệu, như: Các loại cao, trà Giảo cổ lam, trà gừng, các loại tinh dầu, bột dược liệu... Huyện tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng về thủ tục hành chính để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng, chế biến dược liệu tại địa phương.
Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village (Quản Bạ). Ảnh: Lê Hải
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Quản Bạ đề ra 3 khâu đột phá để phát triển KT-XH, đó là: Phát triển nhanh dịch vụ du lịch, trong đó, du lịch cộng đồng là trọng tâm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển nông nghiệp sạch, đặc sản trở thành hàng hóa… Để hiện thực hóa được mục tiêu này, Quản Bạ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX đến đầu tư vào địa bàn.
Đối với Đồng Văn, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, huyện tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, trong đó tập trung vào đơn giản hoá các TTHC tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trước khó khăn về chính sách thắt chặt đầu tư công của Chính phủ, huyện đã dành vốn ngân sách đầu tư các chương trình, dự án có tính cấp bách, phục vụ trực tiếp người dân; tận dụng, khai thác tối đa nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vục phát triển KT - XH. Cùng với đó, huyện có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư như giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng cơ sở cơ sở hạ tầng; áp dụng cơ chế ưu đãi về phát triển du lịch, dịch vụ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
Với cách làm linh hoạt, chủ động; hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 16 dự án với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó có các dự án lớn, như: Dự án đầu tư hang Mây, xã Tả Lủng; Khu du lịch tâm linh xã Lũng Cú; khách sạn Hoa Cương; Khu sinh thái Khánh Sơn, Trường Xuân... Ngoài ra, huyện đang thu hút 6 dự án, như khu đô thị phía Đông; khu đô thị Đông Nam; khu trung tâm thương mại - dịch vụ; công viên mới; nhà máy gạch không nung; khu du lịch nghỉ dưỡng Resort Green. Toàn huyện hiện có 50 khách sạn, nhà nghỉ, 194 nhà khách và nhà lưu trú homestay với tổng số trên 1.100 phòng ngủ và trên 2.300 giường ngủ; 72 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch. Tổng lượng khách đến tham quan trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1.792 nghìn lượt khách, vượt 402% so với giai đoạn 2011 - 2015. Du lịch - dịch vụ phát triển mạnh đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Dinh Chí Thành cho biết: Những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư là cơ sở thực tiễn để huyện có thêm cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến đầu tư làm ăn lâu dài tại huyện trong những năm tới.
Lê Hải – Hoàng Ngọc
Nguồn: Báo Hà Giang