Hoạt động của ngành

Hấp dẫn du lịch Tết ở Tây Nam Bộ

Cập nhật: 05/01/2023 07:02:59
Số lần đọc: 570
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước mà còn là một trong bảy vùng trọng điểm du lịch quốc gia. Sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành du lịch Tây Nam Bộ đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc sắc của vùng đang thu hút du khách trong và ngoài nước, nhất là các tour, tuyến du Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Người dân và du khách trải nghiệm chương trình Sắc xuân miệt vườn tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh Đăng Quỳnh)

Đến với miền Tây Nam Bộ vào dịp Tết, bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống như biển, sông nước miệt vườn, du khách còn nhiều lựa chọn các sản phẩm du lịch mới, lạ, hấp dẫn... Với cảnh sắc thiên nhiên sống động, tươi đẹp và mang sắc thái vùng miền riêng, miền Tây Nam Bộ còn "níu chân" khách thập phương bằng sự hiếu khách, tính cách hào sảng, chân chất của người dân nơi đây.

Nở rộ sản phẩm du lịch Tết

Thành phố Cần Thơ, "trái tim" của miền Tây Nam Bộ chào đón Xuân mới với nhiều điểm tham quan luôn hút du khách, như: Đền thờ Vua Hùng; Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam; chùa Ông; nhà cổ Bình Thủy; cồn Sơn; chợ nổi Cái Răng; Căn nhà màu tím... Tết Quý Mão 2023, lần đầu tiên thành phố có Vườn hoa nghệ thuật Cần Thơ với nhiều kỳ hoa, dị thảo. Phố ông đồ năm nay cũng sẽ có nhiều nét mới. Du lịch sinh thái, miệt vườn là những địa chỉ thường được du khách lựa chọn. Chương trình "Sắc xuân miệt vườn" tái hiện nét truyền thống Tết của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Một thoáng Nam Bộ gồm tổ hợp trải nghiệm văn hóa miền Tây trực thuộc khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge chính thức đi vào hoạt động và đón hàng nghìn lượt khách.

An Giang là tỉnh có nhiều điểm du lịch tâm linh vốn luôn được du khách lựa chọn dịp đầu năm theo phong tục Việt Nam. Khu du lịch quốc gia Núi Sam với nhiều danh thắng như chùa Hang, Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An và tâm điểm Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, hành hương cả ngày lẫn đêm. Về đêm, khu vực này luôn sáng rực ánh đèn, xe các loại ra vào liên tục tạo sự sôi động cho thành phố vùng biên.

Chị Trần Thị Ngọc Phương, ngụ Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh kể, hơn 10 năm nay, cứ đến Tết cổ truyền là chị cùng người thân đến vùng Bảy Núi để hành hương. Đầu tiên là viếng Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, cầu tài cầu lộc, sau đó tiếp tục đến núi Cấm. Giờ có cầu Vàm Cống không còn lo kẹt phà như những năm trước.

Cùng từ Thành phố Hồ Chí Minh, anh Lê Thanh Toàn, ngụ Quận 2, cũng chọn An Giang là điểm du Xuân vào mùng ba Tết cùng người thân, bạn bè. Anh Toàn cho biết, năm nay, khi đến Châu Đốc, anh sẽ an tâm mua sắm các đặc sản như các loại mắm, đường thốt nốt làm quà biếu tặng bạn bè vì các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đều niêm yết giá.

Tại Sóc Trăng, sự thành công của hội nghị xúc tiến, kích cầu du lịch năm 2023 mới đây đã gây sự chú ý với nhiều tour du lịch đậm chất sông nước và văn hóa truyền thống vùng đất cộng cư nhiều dân tộc. Dịp này, Sóc Trăng ra mắt phần mềm "Du lịch thông minh" với nhiều tiện ích giúp du khách dễ dàng tìm ra sản phẩm du lịch thích hợp. Nhiều doanh nghiệp tại Sóc Trăng đã cam kết thực hiện các chương trình khuyến mại hấp dẫn; hầu hết các cơ sở lưu trú, nhà hàng đều giảm giá từ 10%-20%.

Nâng chất lượng sản phẩm du lịch

Để đồng bằng sông Cửu Long trở thành điểm đến hấp dẫn, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tăng cường kết nối, liên kết với các vùng trong cả nước, đặc biệt với Thành phố Hồ Chí Minh theo kế hoạch hợp tác của Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn, trong năm 2023, Cần Thơ tăng cường hợp tác phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố với nhiều tập đoàn, công ty du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của thành phố. Trong đó, tập trung xây dựng sản phẩm đặc thù mang đậm bản sắc sông nước, hướng đến mục tiêu là trung tâm kết nối du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

"Thành phố cùng các địa phương, tổ chức doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển các điểm du lịch; nghiên cứu khai thác hiệu quả các đường bay hiện có tại thành phố Cần Thơ, gia tăng tần suất chuyến bay và mở rộng thêm các đường bay mới đi, đến trong và ngoài nước; hợp tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư", ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin, năm 2023, An Giang đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch mới thu hút giới trẻ năng động như: trekking; camping khám phá, trải nghiệm; hoạt động teambuilding Bảy Núi; du lịch trải nghiệm Núi Cấm. Tỉnh sẽ tăng cường quảng bá, kết nối, hợp tác phát triển du lịch với các thị trường mới như Đông Bắc, Tây Bắc và các tỉnh Tây Nguyên…; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tận dụng hiệu quả mạng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công cuộc chuyển đổi số; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng thu hút hơn 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 85.000 lượt, khách nội địa là 3,5 triệu lượt. Sóc Trăng phát triển 10 sản phẩm chủ lực, gồm: Du lịch văn hóa tâm linh thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa lễ hội-ẩm thực thành phố Sóc Trăng, khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên, huyện Châu Thành; du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách; du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung và Hồ Bể, huyện Vĩnh Châu; điểm du lịch Tân Huê Viên; du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy ở huyện Mỹ Tú; du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm; du lịch sinh thái biển Mỏ Ó, huyện Trần Đề. Đồng thời, tỉnh phát triển sáu sản phẩm du lịch bổ sung, gồm: Du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm; du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Phú Tân và xã Phú Tâm; du lịch sinh thái, tâm linh Vườn cò Sáu Xom; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại Cù Lao Dung; du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên-Trần Đề; du lịch điện gió Vĩnh Châu-Trần Đề-Cù Lao Dung…

Các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ đều có kế hoạch kiểm tra các cơ sở lưu trú, nhà hàng trong việc cam kết niêm yết và bán đúng giá; bảo đảm an toàn thực phẩm và giao thông; tổ chức tốt hoạt động vui chơi giải trí trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2023.

Thanh Phong, Thanh Dũng, Đức Nhã

 

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn -Ngày đăng 05/01/2023

Cùng chuyên mục