Hoạt động của ngành

Hậu Giang: Khơi dậy tiềm năng du lịch nông nghiệp

Cập nhật: 24/04/2020 20:15:35
Số lần đọc: 704
Xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang có diện tích vườn cây ăn trái khá lớn, chiếm 90% tổng số đất sản xuất nông nghiệp của xã. Ngoài tạo nguồn thu nhập chính, người dân địa phương bắt đầu tính đến chuyện khai thác các thế mạnh nông nghiệp để làm du lịch.  

Khai thác thế mạnh kinh tế vườn gắn với du lịch sẽ góp phần giúp người dân đa dạng nguồn thu nhập.

Sở hữu vườn dâu xiêm rộng 6.000m2, ông Nguyễn Đình Chiến, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A nhẩm tính chỉ 20 ngày nữa là thu hoạch. So với các loại dâu khác như dâu bòn bon, dâu xanh, dâu hạ châu thì giống dâu xiêm này được thị trường chuộng hơn. Bởi vị ngọt, bảo quản được lâu nên phù hợp để mang đi đường dài đến được nhiều thị trường các vùng miền khác trong nước và cả xuất khẩu. Năm nay, theo ông Chiến năng suất dâu đạt 25 tấn trở lên nhưng hiện giá thu mua khoảng 15.000 đồng/kg, trong khi năm trước cũng phải trên 20.000 đồng/kg. Các loại dâu khác đang cho trái cũng gặp tình trạng tương tự khi giá thấp hơn và vắng thương lái thu mua. Chuyện được mùa, mất giá hay ngược lại cũng từng diễn ra cho thấy sự bấp bênh khi chỉ phụ thuộc vào một mô hình.

Cũng vì lý do đó mà phát triển du lịch nông nghiệp là định hướng đã được xã Nhơn Nghĩa A rất quan tâm và khuyến khích người dân mạnh dạn học hỏi. Xã đã tạo điều kiện cho người dân tham gia các buổi hội thảo, diễn đàn về du lịch do tỉnh, huyện tổ chức nhằm khơi gợi được ý tưởng, nhìn thấy những thế mạnh và đặc trưng của mình mạnh dạn tìm hướng đi riêng. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc vườn cây ăn trái; vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng tới hoạt động thực chất, thật sự là nơi để bà con học tập, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển tốt vườn cây ăn trái và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ông Bùi Công Mến, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Nghĩa A, thông tin: Địa phương xác định lợi thế là có diện tích trồng cây ăn trái lên tới trên 957ha, khá da dạng về chủng loại. Hơn nữa, xã nằm tiếp giáp với thành phố Cần Thơ - nơi đã hình thành các điểm du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng. Đây cũng là lợi thế không nhỏ để liên kết, phát triển và học hỏi kinh nghiệm từ tỉnh bạn.

Bà Dương Thị Nhỏ, ở ấp Nhơn Phú 1, là một trong những người đầu tiên ở xã đã bắt tay hiện thực hóa ý tưởng xây dựng một điểm tham quan sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng mang nét đặc trưng của địa phương. Ý tưởng ấp ủ đã lâu, nhưng mãi đến cuối năm 2019, vợ chồng bà mới mạnh dạn xin chuyển mục đích phần diện tích đất vườn, chuẩn bị mặt bằng và san lấp đất. Sau thời gian tạm ngưng thì nay các phần việc đang được gấp rút thực hiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Trước đây, khi đi tham quan nhiều nơi, nhận thấy ngay trên quê hương cũng có tiềm năng mà nơi khác không có nhưng lại chưa được khai thác và ít người biết đến, từ đó bà Nhỏ mạnh dạn tìm tòi và học hỏi nhiều nơi, tham gia các hội thảo do tỉnh và địa phương tổ chức về du lịch nông nghiệp từ năm trước.

“Tôi dự kiến khu vực mặt bằng đang chuẩn bị là vị trí xây những căn chòi nghỉ phong cách miệt vườn kết hợp khu tổ chức trò chơi dân gian và đưa vườn cây ăn trái khoảng 10 công của gia đình để làm điểm tham quan, sau đó mới kết nối các vườn cây ăn trái lân cận. Bởi mùa nào thức ấy, ở đây các loại trái cây khá đa dạng như nhãn, dâu, xoài, cam… sẽ luân phiên làm điểm tham quan để khách không bị nhàm chán”, bà Nhỏ cho biết thêm.

Xây dựng và phát triển các mô hình du lịch dựa trên nền tảng vững chắc về nông nghiệp là một hướng đi khả thi trong thời gian tới. Về lâu dài sẽ mang lại cho người dân địa phương nhiều lợi ích kinh tế hơn, cũng là góp phần giữ gìn và phát triển vùng cây ăn trái. Khi người nông dân đã mạnh dạn, sẵn sàng học hỏi cái mới để chuyển mình, rất cần sự vào cuộc quyết đoán của ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương để định hướng, hỗ trợ cho mô hình phát triển hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

 

 

Nguồn: baohaugiang.com.vn

Cùng chuyên mục