Hoạt động của ngành

Ninh Thuận: Giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái cộng đồng Vườn quốc gia Phước Bình

Cập nhật: 23/04/2020 14:36:14
Số lần đọc: 924
Là một trong những vườn quốc gia (VQG) sở hữu tính đa dạng sinh học cao, VQG Phước Bình có nhiều tiềm năng và cơ hội thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại VQG Phước Bình

VQG Phước Bình có khí hậu mát mẻ trong lành, vừa có tài nguyên thiên nhiên phong phú tạo nên tính đa dạng sinh học cao, vừa hấp dẫn với các giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng Churu và Raglai. Do đó, đây là những lợi thế để Phước Bình khai thác loại hình du lịch sinh thái cộng đồng hướng tới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, VQG Phước Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái nhờ tính đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cần phải luôn đi đôi với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường. Chính vì vậy, trong nhiều hoạt động du lịch, VQG luôn chú trọng tạo lập sinh kế cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện để những người dân bản địa tham gia vào hoạt động du lịch như: hướng dẫn các tour sinh thái - văn hóa - lịch sử, trải nghiệm văn hóa cộng đồng; liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào Churu và Raglai; bảo tồn và phát triển nghề làm thuốc giúp nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc trong vùng đệm của VQG.

Sản phẩm du lịch đặc trưng của VQG Phước Bình cần đầu tư khai thác thu hút khách du lịch dựa trên những tiềm năng mà Vườn đang sở hữu như: du lịch mạo hiểm, cắm trại qua đêm ở trong rừng; khám phá du lịch sinh thái VQG Phước Bình, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây.

Suối Tranh - Vườn quốc gia Phước Bình

Giải pháp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng VQG Phước Bình

Khai thác các tuyến du lịch trải nghiệm

Trong quần thể thiên nhiên hoang sơ và độc đáo của VQG Phước Bình, nơi đây cần định hướng đầu tư khai thác một số tuyến du lịch trải nghiệm như: (1) tuyến du lịch đi bộ dã ngoại suối Đa Nhông - thác Đá Bàn - thác Ba Tầng dài 11km, đưa du khách tìm về thượng nguồn các con suối trong vòng một ngày; (2) tuyến đi bộ chinh phục thác Đá Đen, thác Hầm Xe Lửa trên vùng hồ sinh thái Đa Mây dài 20km; vượt 18km đường rừng chinh phục hòn Chan ở độ cao 1.400m… với thời gian từ 2-3 ngày; (3) tuyến tham quan dài 10km với loại hình du lịch đặc biệt dành riêng cho những du khách ưa mạo hiểm là bơi thuyền trên sông Cái, đi qua những trạng thái sông với tốc độ dòng chảy khác nhau.

Phát triển du lịch sinh thái gắn kết cộng đồng

Quanh vùng đệm của VQG Phước Bình là nơi cư trú của cộng đồng nhiều dân tộc sinh sống, nhiều nhất là đồng bào Raglai với bản sắc văn hóa đặc trưng độc đáo… Đây là điều kiện thuận lợi để gợi mở định hướng khai thác du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hóa Raglai - Churu bản địa. Đến với bản làng của người Raglai - Churu, du khách có thể tham gia sinh hoạt với người dân địa phương, thưởng thức các món ăn; tìm hiểu hoạt động văn hóa, sản xuất, đời sống người bản địa; đi bộ hoặc đạp xe qua các bản làng; thăm và khám phá những nét văn hóa của người Raglai, Chu ru.

Phát triển thị trường khách du lịch, quảng bá du lịch

Để du lịch thật sự phát triển bền vững thì VQG Phước Bình cần có kế hoạch xây dựng thương hiệu, hình ảnh về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để tổ chức quảng bá có hiệu quả và tập trung vào các thị trường quan trọng; nghiên cứu nhu cầu, xác định tiềm năng và lợi thế nhằm tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để thu hút du khách đến tham quan, đặc biệt là khách Nga, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Mỹ và vhâu Âu; phối hợp với các thành phần kinh tế để nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; đồng thời, xây dựng các chương trình đầu tư trọng điểm các khu du lịch, tuyến điểm du lịch đã được quy hoạch nhằm đa dạng các dịch vụ du lịch của VQG.

Phát triển và đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng

VQG Phước Bình rất có tiềm năng để tổ chức nhiều hoạt động du lịch sinh thái - cộng đồng hiệu quả như: tham quan rừng nguyên sinh, tắm nước suối trong xanh; du thuyền trên suối ngắm cảnh; đi bộ tham quan rừng với sự hướng dẫn của người dân địa phương; ngủ qua đêm tại nhà sàn của đồng bào; thưởng thức các món ăn địa phương; tìm hiểu các hoạt động văn hóa, sản xuất, đời sống người bản địa; đi bộ hoặc xe đạp qua các bản làng; tham quan và khám phá những nét văn hóa độc đáo có một không hai của người Raglai - Chu ru.

Phát triển cơ sở hạ tầng - thu hút đầu tư du lịch

Với lượng khách đến tham quan trải nghiệm không ngừng tăng lên, Ban Quản lý VQG Phước Bình đã đầu tư cơ sở lưu trú phục vụ nhu cầu nghiên cứu của chuyên gia và nghỉ dưỡng cho du khách; xây dựng các khu trưng bày tiêu bản động vật, thực vật quý hiếm sinh sống trong các khu rừng của VQG và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào các dân tộc bản địa; thành lập một Trung tâm du lịch và dịch vụ du lịch đặt tại Văn phòng VQG Phước Bình nhằm chủ động đón phục vụ khách du lịch; đồng thời, chủ động liên kết hợp tác với các đơn vị du lịch - lữ hành để hợp tác phát triển du lịch.

Phát triển nguồn nhân lực, xây dựng tổ chức bộ máy, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực quản lý

Thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch; có kế hoạch đào tạo và nâng cao năng lực cho những người làm du lịch về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức về môi trường - sinh thái - văn hóa bản địa và tiếng dân tộc; tiếp cận công nghệ mới trong quản lý rừng, kinh doanh du lịch, bảo tồn văn hóa truyền thống…; xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, lưu trú để đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch sinh thái, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi, giao lưu với các VQG trong nước và quốc tế có hoạt động du lịch nhằm nâng cao kiến thức năng lực, mô hình hiệu quả trong quản lý và khai thác du lịch sinh thái cộng đồng bền vững.

Bảo tồn đa dạng sinh học và giáo dục môi trường

VQG Phước Bình cần chú trọng tạo lập sinh kế cho cộng đồng địa phương, phát huy giá trị văn hóa bản địa, tạo điều kiện để những người dân tham gia hướng dẫn các tour, tuyến tham quan sinh thái, văn hóa, lịch sử, trải nghiệm văn hóa cộng đồng; đồng thời liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào Raglai - Churu, bảo tồn và phát triển nghề làm thuốc giúp nâng cao đời sống kinh tế của bà con dân tộc trong vùng đệm của VQG Phước Bình.

Tập huấn, khuyến khích và hỗ trợ vật chất đối với công tác nâng cao nhận thức về du lịch, nhất là du lịch bền vững; nâng cao hiểu biết cho cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch trong việc bảo tồn, tôn tạo phát triển các tài nguyên du lịch, giá trị đa dạng sinh học của Vườn. Hỗ trợ phương tiện, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và mạng lưới cán bộ phục vụ cho chương trình giáo dục và nâng cao dân trí cho cộng đồng; đồng thời có chính sách đãi ngộ những cá nhân, tập thể, tham gia chương trình này.

Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia tích cực vào hoạt động du lịch; đồng thời nỗ lực bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch, giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội cho hoạt động du lịch

Đa dạng thực vật Vườn quốc gia Phước Bình

Phát triển du lịch bền vững về tài nguyên và môi  trường

Để giảm thiểu tới mức thấp nhất các yếu tố gây ra ô nhiễm môi trường, Vườn cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Tất cả các công trình phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan chuyên môn trước khi tiến hành xây dựng công trình phục vụ du lịch, nhằm phát hiện sớm và làm sáng tỏ các tác động môi trường của dự án. Qua đó, trình các cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc trước khi cấp trên ra quyết định cấp phép đầu tư khai thác phục vụ du lịch.

Khi xây dựng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về xây dựng hạ tầng trong VQG, đặc biệt là xây dựng hệ thống đường, tuyến tham quan, cầu treo, các khu nhà nghỉ, hệ thống cấp thoát nước, khu vui chơi giải trí, bãi đỗ xe.

Trong quản lý tài nguyên thiên nhiên cho khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, cần chú ý đến sức chứa du lịch, bao gồm sức chứa kinh tế Ckt , sức chứa xã hội Cxh và sức chứa sinh thái Cst để làm cơ sở cho quy hoạch, đầu tư và khai thác du lịch hợp lý hiệu quả.

Tổ chức công tác giám sát, kiểm tra định kỳ, xác định các nguồn gây tác động môi trường để có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hệ thống nước thải, thu gom và xử lý rác thải tại các tuyến - điểm có hoạt động du lịch và xây dựng. Hệ thống nước thải bắt buộc phải được xử lý theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh các chất thải của ngành môi trường, trước khi ra môi trường rừng, các sông suối trong VQG.

Đầu tư các thùng rác thân thiện môi trường dọc các tuyến điểm du lịch trong VQG và tại các bản làng của người dân tộc. Tất cả các rác thải bắt buộc phải được thu gom vào các thùng chứa đặt trên trục đường, các khu trung tâm tuyến - điểm tham quan… Rác thải phải được phân chia thành 2 loại vô cơ và rác thải hữu cơ để đưa về địa điểm tập kết để xử lý an toàn.

Thường xuyên giám sát các tác động đến môi trường - sinh thái: tăng cường công tác giám sát, kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường nhằm xác định nguồn gây tác động môi trường - sinh thái, kiểm tra chất lượng hệ thống nước thải, thu gom và xử lý tại các tuyến - điểm có hoạt động du lịch và đưa ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, quản lý tài nguyên sinh thái nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của VQG.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thị Hường, 2016, Vườn quốc gia Phước Bình - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Ninh Thuận, Tạp chí Môi Trường số 11/2016.

2. Phạm Trung Lương, 2002, Du lịch sinh thái: Những vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

3. Nguyễn Anh Dũng, 2017, Bàn về nguyên tắc phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam, Tạp chí Tài chính số 02/2017

4. Nguyễn Sơn, 2017, Triển vọng phát triển du lịch ở Vườn Quốc gia Phước Bình. http://baoninhthuan.com.vn/news/90494p25c48/trien-vong-phat-trien-du-licho-vuon-quoc-gia-phuoc-binh.htm

5. Khám phá vườn quốc gia non trẻ Phước Bình. http://www.ninhthuantourist.com/tai-nguyen/du-lich-sinh-thai/46-kham-pha-vuon-quoc-gia-non-tre-phuoc-binh.html

6. Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình http://www.vqgphuocbinh.org.vn/trangchu/dulichthamquan.aspx

Võ Nguyên Thông

 

 

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục