Để du lịch Yên Bái trở thành kinh tế mũi nhọn
Năm 2020, mở rộng thêm 10 ha ruộng bậc thang tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.
TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19, trước sự sụt giảm mạnh về doanh thu của ngành du lịch, dự báo và định hướng phát triển trong năm 2020, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai hiệu quả chính sách phát triển du lịch trên địa bàn.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và các chương trình du lịch Yên Bái đến với du khách trong nước và trên thế giới gắn với xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.
Chủ động phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch tham gia Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam năm 2020, nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch của Yên Bái, tăng lượng khách du lịch nội địa và hình thành phương pháp ứng phó với các đợt khủng hoảng khi gặp các sự cố và thiên tai, dịch bệnh…
Nhìn vào các chỉ số tăng trưởng trong hoạt động dịch vụ có thể thấy, đây là lĩnh vực chịu tác động mạnh và bị thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, do các hoạt động vận tải, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô, dẫn đến một số chỉ tiêu thực hiện không đạt so với kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh đã phê duyệt.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm giảm 906 tỷ đồng; số lượng hành khách giảm 25,45%, luân chuyển giảm 24,23%, doanh thu vận chuyển hành khách giảm 23,61% so với năm 2019. Số lượng khách du lịch giảm 58,9%, tức là khoảng trên 97 nghìn lượt khách; doanh thu dịch vụ du lịch giảm 58,5%, tương đương 55,6 tỷ đồng.
Trên quan điểm không thay đổi mục tiêu tổng thể mà chủ động điều chỉnh linh hoạt về giải pháp, đảm bảo thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Thực hiện "nhiệm vụ kép”, vừa chủ động thực hiện quyết liệt, kịp thời các giải pháp phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội vừa tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn được tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Trong đó, thực hiện hỗ trợ đầu tư mua sắm các trang thiết bị thu gom rác thải và hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các địa phương như: bản Chao Hạ 1, bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ); bản Hốc, xã Sơn Thịnh, xã Suối Giàng (Văn Chấn); các xã Việt Hồng, Vân Hội (Trấn Yên); khu vực khoáng nóng khu 3, thị trấn Trạm Tấu (Trạm Tấu). Hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối các địa điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn.
Cụ thể, hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đến các điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng trên địa bàn thành phố Yên Bái như: đền Tuần Quán (phường Yên Ninh); Khu di tích đình - đền - chùa Nam Cường; nâng cấp đường giao thông liên thôn đến các bản du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ, Văn Chấn; hệ thống đường giao thông tại các xã Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai (Yên Bình); Nà Hẩu (Văn Yên); giao thông vào khu khoáng nóng thị trấn Trạm Tấu (Trạm Tấu) và các điểm du lịch ở Mù Cang Chải.
Cùng với đó, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm; du lịch tâm linh. Phát triển các tour du lịch nội huyện, thị xã thành phố; các tour du lịch nội tỉnh; các tour liên kết ngoại tỉnh. Phát triển sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với phái triển du lịch địa phương.
Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm như: miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, thịt sấy (thị xã Nghĩa Lộ); quế (Văn Yên); bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà, cá sấy Thác Bà (Yên Bình); gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn); cam Lục Yên, cá bỗng, gà trống thiến, vịt Lâm Thượng (Lục Yên); khoai sọ (Trạm Tấu); quả sơn tra, mật ong rừng (Mù Cang Chải)…
Đặc biệt, chú trọng quảng bá giá trị Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch Yên Bái đưa Di tích trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải và của tỉnh Yên Bái. Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái chủ trương bảo tồn nguyên trạng vùng lõi Di tích. Năm 2020, mở rộng thêm 10 ha ruộng bậc thang tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
Đẩy nhanh việc triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Yên Bái. Tiếp tục khai thác các hoạt động hợp tác phát triển du lịch trong nước và ngoài nước, nhất là các hoạt động xúc tiến quảng bá các sự kiện văn hóa du lịch của tỉnh, nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch của Yên Bái sau dịch bệnh.
Dự báo lượng khách du lịch đến tỉnh giảm mạnh so với kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh đã được phê duyệt, ước cả năm đạt 494.038 lượt khách, giảm 305.462 lượt khách, trong đó khách quốc tế giảm trên 120.500 lượt; doanh thu dịch vụ du lịch năm 2020 ước đạt trên 302 tỷ đồng, giảm 178,5 tỷ đồng so với kịch bản đã được phê duyệt.
Dự báo hết quý II/2020, dịch Covid-19 mới được kiểm soát, do đó sẽ không thu hút được khách du lịch nên doanh thu du lịch dự kiến bằng 0. Quý II, tỉnh chủ trương điều chỉnh 8 chỉ tiêu giảm, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8.964 tỷ đồng, giảm 1.036 tỷ đồng so với kịch bản đã được phê duyệt.
Phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Đề án xây dựng Chiến lược thương hiệu du lịch và quảng bá du lịch Yên Bái giai đoạn 2020 - 2030 UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 766/QĐ-UBND, ngày 17/4/2020 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Đề án xây dựng Chiến lược thương hiệu du lịch và quảng bá du lịch Yên Bái giai đoạn 2020 - 2030. Mục tiêu phục vụ tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững của tỉnh Yên Bái. Xây dựng Yên Bái trở thành một thương hiệu du lịch điểm đến hàng đầu của vùng Tây Bắc, khẳng định vị thế du lịch Yên Bái trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực, góp phần phát triển du lịch Yên Bái bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện Đề án. Về kinh phí thực hiện do Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt bố trí và thực hiện chi trả trực tiếp toàn bộ kinh phí liên quan đến xây dựng Đề án cho đơn vị tư vấn lập Đề án. |
KINH NGHIỆM Ở SÀ RÈN
Bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ hiện có 99 hộ, dân tộc Thái chiếm tới 83% dân số. Các hộ dân nơi đây đã giữ gìn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như: kiến trúc nhà sàn của người Thái Mường Lò, các phong tục, tập quán tốt đẹp trong lễ hội, đám cưới và trong sinh hoạt hàng ngày từ trang phục đến tiếng nói, chữ viết, văn hóa ẩm thực.
Với tiềm năng thế mạnh đó, trong thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 - 2020, bản Sà Rèn đã được chọn xây dựng bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Để khuyến khích các hộ dân phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và mạnh dạn làm du lịch, năm 2015, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai cơ chế hỗ trợ 9 hộ làm du lịch cộng đồng, mỗi hộ được vay 20 triệu đồng để sửa nhà ở, cảnh quan xung quanh gia đình, làm các công trình vệ sinh khép kín để đón khách du lịch theo mô hình homestay với cách phục vụ "3 cùng”, tức là khách ăn cùng, ở cùng, sinh hoạt cùng gia đình.
Năm 2019, thực hiện Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 16/4/2019 của UBND tỉnh Yên Bái về phát triển du lịch miền Tây, thị xã đã lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Điều 12, Nghị quyết HĐND tỉnh Yên Bái về phát triển mới sản phẩm du lịch, theo đó hỗ trợ cho 6 hộ kinh doanh homestay mới ở bản Sà Rèn với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động du lịch.
Thị xã cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn làm du lịch cũng như tạo điều kiện cho các hộ ở đây đi tham quan, học tập phương thức làm du lịch cộng đồng của các tỉnh, thành; tổ chức giao lưu với nhiều đoàn làm du lịch cộng đồng của Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình để các hộ làm du lịch cộng đồng ở Sà Rèn có cơ hội trao đổi kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Nhờ đó, đến nay, bản Sà Rèn đã có 15 hộ làm du lịch cộng đồng.
Hộ bà Hoàng Thị Loan làm du lịch cộng đồng đầu tiên của bản, đến nay được 5 năm. Bà Loan cho biết, hàng năm, gia đình đón từ 1.000 đến 2.000 lượt khách, trừ mọi chi phí bỏ ra thu về trên 100 triệu đồng và thường xuyên tạo việc làm cho 5 lao động.
Nhiều đoàn đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm du lịch tại bản Sà Rèn.
Kinh nghiệm của gia đình bà là ngày càng phải chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, kiến thức, sự hiểu biết trong giao tiếp để có thể tiếp xúc với du khách gần gũi, lịch sự và biết phần nào ngoại ngữ để có thể giới thiệu được nhiều hơn các phong tục, tập quán tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt của dân tộc mình.
Hơn thế nữa, việc phát triển du lịch của gia đình phải có sự ảnh hưởng tích cực đến các hộ trong thôn bản như tạo công ăn việc làm cho bà con, mua thực phẩm của bà con sản xuất ra, đưa khách đi tham quan và mua sản phẩm của các hộ làm nghề truyền thống.
Hộ anh Hoàng Văn Tuấn cũng vừa mới đầu tư làm xong nhà sàn 4 gian, các công trình vệ sinh và khuôn viên nhà cửa, đầu tư thêm vật dụng, trang thiết bị để làm du lịch.
Anh Tuấn chia sẻ: "Mình mới làm nên bước đầu chủ yếu phối hợp với các hộ làm lâu năm có kinh nghiệm để nhận san sẻ khách khi đông và hỗ trợ về cơ sở vật chất cũng như nhân lực phục vụ, từ đó học hỏi và chủ động liên kết với các công ty du lịch nhận khách độc lập. Cùng đó, gia đình cũng chú trọng xây dựng các loại sản phẩm du lịch mới hơn các hộ trước như: trải nghiệm đua mảng, chơi các trò chơi dân gian, tắm thuốc bắc”.
Cùng với việc kích cầu, tạo động lực để các hộ làm du lịch cộng đồng, năm 2017, thị xã đã quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa, sân vận động của xã tại bản Sà Rèn để thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của xã nói chung và của bản Sà Rèn nói riêng và đặc biệt là phục vụ cho phát triển du lịch của xã và thôn bản.
Sân vận động và trung tâm văn hóa đều đã phát huy vai trò với các hoạt động thể thao và văn hóa văn nghệ thường xuyên diễn ra ở đây để du khách thưởng thức, tìm hiểu. Bản Sà Rèn cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội rằm tháng Giêng, hội Hạn Khuống truyền thống của xã.
Ngoài việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để làm du lịch, bản Sà Rèn còn đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp.
Chị Điêu Thị Vân - Bí thư Chi bộ bản Sà Rèn cho biết: "Các đoàn thể trong bản đã tiên phong trong phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường như: Chi hội Phụ nữ thường xuyên ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa vào ngày thứ Bảy hàng tuần và xây dựng mô hình nhà sạch vườn đẹp; Đoàn Thanh niên ra quân thực hiện công trình thắp sáng đường quê, trồng hoa ban dọc theo tuyến đường của thôn bản”.
Thị xã và xã Nghĩa Lợi cũng quan tâm huy động lực lượng tham gia phong trào vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, loại bỏ túi nilon, phát dọn ven suối Thia tạo cảnh quan ngày càng sạch đẹp cho Sà Rèn. Năm 2019, thị xã cũng đã quan tâm đầu tư hỗ trợ dự án thu gom rác thải gồm: 3 xe thu gom, 20 thùng đựng rác, dụng cụ thu gom, đồ bảo hộ lao động trị giá gần 55 triệu đồng cho bản Sà Rèn.
Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước; những định hướng, cách làm linh hoạt của thị xã; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã Nghĩa Lợi và trên hết là tinh thần phát huy nội lực của người dân, bản Sà Rèn hôm nay thực sự đem đến bức tranh du lịch nhiều sắc màu văn hóa, thú vị và hấp dẫn du khách.
ĐỂ MÙ CANG CHẢI THÀNH ĐIỂM ĐẾN ẤN TƯỢNG
Là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, thời gian qua, tuổi trẻ huyện vùng cao Mù Cang Chải đã có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo nhằm góp sức xây dựng huyện nhà trở thành điểm đến ấn tượng, thu hút khách du lịch song vẫn giữ nét mộc mạc, truyền thống của đồng bào.
Lớp học tiếng Anh miễn phí của Giàng A Dê tại Hello Mù Cang Chải (xã La Pán Tẩn) được những người ngoại quốc đứng lớp diễn ra thật sôi nổi, hào hứng. Bắt đầu bằng những câu tiếng Anh giao tiếp căn bản nhưng bằng cách dạy và học theo hình thức vừa học vừa chơi khiến không khí lớp học trở nên thoải mái, dễ hiểu và rộn rã tiếng cười.
Đây là lớp học tiếng Anh miễn phí hiếm hoi ở Mù Cang Chải được tổ chức với mục đích giúp đỡ bà con nghèo trong xã có điều kiện nâng cao hiểu biết để có thể trở thành những hướng dẫn viên du lịch bản địa, phục vụ nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng.
Anh Giàng A Dê chia sẻ: "Lớp học được duy trì từ năm 2016, do tôi và vợ tổ chức dạy song trình độ của chúng tôi cũng chỉ mới là cơ bản. Trong khi ấy, ở homestay của tôi có khá nhiều khách du lịch nước ngoài, tôi mời họ làm giáo viên dạy tiếng Anh và được ủng hộ khá nhiệt tình. Nhờ đó, hàng năm, chúng tôi đều tổ chức được những lớp tiếng anh miễn phí cho đồng bào mình. Trước đó, chúng tôi cũng tổ chức đăng ký, tuyển chọn học viên là những người nhiệt tình có đam mê. Tôi hy vọng đồng bào mình ai cũng có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu nét đẹp văn hóa, con người Mù Cang Chải đến với du khách”.
Những năm qua, tuổi trẻ Mù Cang Chải đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển du lịch huyện nhà. Một trong những hoạt động được Huyện đoàn triển khai hàng năm là trồng cây xanh tại các điểm du lịch trong huyện.
Lớp học tiếng Anh miễn phí của Giàng A Dê với mục đích đào tạo hướng dẫn viên du lịch phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Năm 2019, Huyện đoàn đã huy động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trồng 200 cây đào và trồng cây, hoa trên nhiều tuyến đường từ xã La Pán Tẩn đến Hồ Bốn. Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn duy trì thường xuyên hoạt động "Ngày thứ Bảy tình nguyện” và "Ngày Chủ nhật xanh” huy động lực lượng ĐVTN tham gia dọn vệ sinh ở các khu dân cư, nơi công cộng, các tuyến đường chính trong xã, thị trấn.
Đây còn là lực lượng tích cực tham gia vệ sinh môi trường và tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường trong các dịp tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của huyện, giữ cảnh quan luôn sạch, đẹp, tạo dấu ấn tốt với du khách. Để thu hút khách du lịch, cuối năm 2019, tuổi trẻ Mù Cang Chải còn trồng 2 ha hoa cánh bướm trên đất ruộng bậc thang tại xã Kim Nọi nhằm thu hút người dân trong và ngoài huyện vào dịp tết Nguyên đán năm 2020.
Anh Giàng A Ly – Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải cho biết: "Năm vừa qua, tuổi trẻ Mù Cang Chải đã thành lập và ra mắt 2 mô hình thanh niên làm du lịch cộng đồng tại xã La Pán Tẩn, thị trấn Mù Cang Chải; 3 câu lạc bộ tuyên truyền giới thiệu, quảng bá đất và người Mù Cang Chải. Huyện đoàn cũng chỉ đạo các cơ sở Đoàn phối hợp với các câu lạc bộ bản sắc tại các xã duy trì tập luyện; các trường học trên địa bàn huyện tổ chức tập thể dục giữa giờ bằng các điệu múa khèn và múa khăn, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Bằng cách làm riêng của mình, tuổi trẻ Mù Cang Chải đã và đang có những việc làm ý nghĩa, góp phần xây dựng huyện nhà trở thành điểm đến thú vị, thân thiện trong mắt khách du lịch và bạn bè thế giới.
Minh Thúy - Thu Hạnh - Hoài Anh