Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Xác định lộ trình, có chính sách kích cầu du lịch hiệu quả

Cập nhật: 25/04/2020 13:32:22
Số lần đọc: 847
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đã yêu cầu như thế tại cuộc họp đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến ngành du lịch Huế và các giải pháp phục hồi sau dịch diễn ra chiều 24/4.  

Huế sẽ có một loạt giải pháp để kích cầu du lịch sau dịch (Du khách chia tay Huế sau khi đến Huế đúng vào dịp dịch bệnh nên phải cách ly theo quy định)

Kịch bản phục hồi của du lịch Huế

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, do dịch bệnh, trong 4 tháng đầu năm 2020, các chỉ tiêu về du lịch sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu. Mọi kế hoạch quảng bá, xây dựng sản phẩm mới trong đầu năm đều bị ngưng trệ. Nhiều công ty du lịch, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... tạm dừng hoạt động, một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản. Hàng ngàn lao động trong ngành du lịch thất nghiệp, bị cắt giảm, không có thu nhập...

Riêng trong tháng 4/2020, lượng khách du lịch đến Huế và lưu trú chỉ ước đạt 5.327 lượt, giảm đến 98,81% so với cùng kỳ. Lượng khách còn lưu trú trên địa bàn lúc này, cũng chủ yếu là khách ở dài ngày, đi công tác, chuyên gia, khách quốc tế bị cách ly… Ước thiệt hại trong tháng 4/2020 về doanh thu từ du lịch khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tổng lượt khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2020 mà các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn trực tiếp khai thác giảm 56,4% (khoảng 10.310 khách) và lượng khách nội địa giảm đến 93,2% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo ngành du lịch đánh giá, thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với du lịch là vô cùng lớn, song thuận lợi cho Huế là trong thời gian diễn ra dịch bệnh, (từ tháng 2 - 4/2020), nhiều cơ sở lưu trú tiến hành cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị tiện nghi và đào tạo nguồn nhân lực. Các đơn vị lữ hành có nhiều hoạt động để chuẩn bị cho thời gian hoạt động sau dịch, như nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết để nghiên cứu thị trường mới; xây dựng kế hoạch xúc tiến cho giai đoạn tới... Đặc biệt, việc khống chế dịch bệnh trên địa bàn được triển khai nghiêm túc, có hệ thống y tế chất lượng cao, mang lại cảm giác an toàn cho du khách.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tin tưởng, trên cơ sở phân tích tình hình và các thuận lợi trên, ngành du lịch Huế xây dựng kịch bản phục hồi, song song với đó là các giải pháp kích cầu tương ứng cho du lịch Huế. Đối với khách nội địa, mô hình phục hồi có thể theo hình chữ V, suy giảm xuống đáy rồi tăng trở lại tương đương mức suy giảm ban đầu; hoặc hình chữ U, suy giảm xuống đáy rồi kéo dài giai đoạn này một thời gian và sau đó phục hồi tương ứng.

Đối với khách quốc tế, dựa theo tình hình diễn biến của dịch bệnh hiện tại, rất khó để khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Huế trong quý III hoặc đầu quý IV của năm 2020. Sau khi dịch được khống chế hoàn toàn trên toàn thế giới, khách quốc tế sẽ không kịp để chuẩn bị kế hoạch cho chuyến đi vào cuối năm. Đặc biệt tâm lý e ngại di chuyển quốc tế, độ trễ sau dịch sẽ diễn ra. Vì vậy, đối với khách quốc tế, mô hình chữ L, thời gian suy giảm ở đáy kéo dài, mất nhiều thời gian gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong năm 2020. 

Doanh nghiệp chỉnh trang lại cơ sở để sẵn sàng đón khách sau dịch

Kích cầu phải gây ấn tượng mạnh

Tại buổi đánh giá ảnh hưởng và tìm phương án khắc phục cho ngành du lịch Huế, đại diện các sở, ban, ngành đều cho rằng, giải pháp quan trọng đầu tiên của Huế là phải tăng cường công tác quảng bá điểm đến. Cần lựa chọn kênh quan trọng nhất hiện nay là mạng xã hội để tập trung nhân lực, vật lực sao cho hiệu quả, tránh phân tán nhiều kênh nhưng thiếu chiều sâu.

Để có dữ liệu và thông điệp để quảng bá điểm đến, Huế cần sớm ban hành các tiêu chí an toàn, như du lịch an toàn, điểm đến an toàn, lưu trú an toàn, nhà hàng an toàn, vui chơi an toàn…. Việc quảng bá này phải được triển khai sớm ngay, chứ không thể chậm trễ.

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cho rằng, sau dịch, du khách cũng sẽ có tâm lý chọn những nơi an toàn, yên bình và có xu hướng chọn nghỉ dưỡng. Xây dựng các tiêu chí an toàn sẽ rất quan trọng cho Huế trong việc thu hút khách trở lại. Trước tiên, du lịch Huế cần tập trung vào khách nội địa, với khách lẻ và khách đi theo gia đình. Riêng khách đoàn sẽ ít hơn. Từ cơ sở này, có các gói kích cầu sát với thực tế, hướng đến khách nào cũng hài lòng với chính sách đưa ra, chứ không riêng khách đi theo đoàn và doanh nghiệp.

Theo ngành du lịch, đối với khách quốc tế, sẽ có chiến lược phục hồi dài hơi hơn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định yêu cầu, trong các gói kích cầu để hồi phục du lịch phải bằng các con số cụ thể. Ngành du lịch cần hoàn chỉnh sớm các nội dung trong các gói kích cầu để trình lãnh đạo UBND tỉnh thông qua. Các gói kích cầu có khuyến mãi đủ mạnh, gây ấn tượng cho du khách.

“Phải xác định được thị trường phục hồi của du lịch Huế. Từ lộ trình, để có giải pháp phù hợp. Trước hết, cần tập trung vào khách nội tỉnh bằng các dịch vụ, sự kiện, làm cho “không khí” trong tỉnh đông vui, nhộn nhịp trở lại. Sau đó là có các giải pháp kích cầu khách nội vùng, trong nước và sau cùng mới đến quốc tế. Lãnh đạo tỉnh đã xác định, sẽ tổ chức sự kiện lớn, đủ hấp dẫn để kích thích du lịch trong thời gian đến. Nếu thuận lợi, Festival Huế được tổ chức vào giai đoạn cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020 sẽ sẽ sự kiện “đinh” tạo “cú hích” lớn cho du lịch Huế nói riêng và kinh tế Huế nói chung sau dịch bệnh”, Phó Chủ tịch Phan Thiên Định cho biết.

Ở một yêu cầu khác, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, trong kích cầu phải làm sao tăng được thời gian lưu trú của khách. Để làm điều này, cần tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin của tỉnh nhà. Sớm triển khai được phần mềm kết nối giữa lưu trú và di tích Huế. Nếu du khách lưu trú ở Huế càng dài ngày, sẽ nhận nhiều chính sách khuyến mãi từ tham quan, sử dụng các dịch vụ ở di tích Huế. Điều này có thể triển khai nhanh, đưa vào trong gói kích cầu du khách.

Bài, ảnh: Đức Quang

 

Nguồn: baothuathienhue.vn

Cùng chuyên mục