Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Quảng bá văn hóa, tài nguyên du lịch Mường Thàng

Cập nhật: 09/11/2021 11:47:53
Số lần đọc: 824
Bên cạnh các điểm đến thuộc khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình, nguồn tài nguyên du lịch ở vùng đất Mường Thàng khá phong phú. Các tiềm năng, lợi thế này đang được huyện Cao Phong, Hòa Bình tích cực quảng bá, khai thác.


Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, xã Bắc Phong (Cao Phong) là địa chỉ thu hút du khách bởi cảnh quan độc đáo và lưu giữ những giá trị tri thức Việt.

Thuộc vùng trung tâm, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong đã đầu tư cơ bản và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đây là điểm đến độc đáo không chỉ hấp dẫn về cảnh quan, mà còn nổi bật bởi những giá trị tri thức Việt được lưu giữ. Chị Đinh Thị Lan (TP Hòa Bình) chia sẻ: Có dịp đến đây, tôi cảm nhận không gian thật yên bình, khác hẳn với nhịp sống vội vã, ồn ào phố thị. Dòng suối Vàng thơ mộng cùng nhiều tiểu cảnh đẹp, rừng cây ven lối đi xanh mát để thăm quan, ngắm cảnh. Tôi cũng ấn tượng với khu triển lãm trưng bày hình ảnh, tư liệu của nhà khoa học, những người có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước… Hiện nay, trong điều kiện bình thường mới, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục là địa chỉ thu hút du khách với các hoạt động hội nghị, hội thảo, thăm quan khu trưng bày và khám phá cảnh quan du lịch sinh thái. Ngoài ra, hệ thống giao thông trong công viên thích hợp để tổ chức đường chạy việt dã, kết hợp quảng bá du lịch.

Trên địa bàn huyện có một số điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Tiêu biểu là đền Bờ, xã Thung Nai thu hút hàng vạn lượt khách thăm quan, chiêm bái vào dịp đầu, cuối năm. Hệ thống di tích lịch sử có khu căn cứ cách mạng Thạch Yên và chùa Khánh thuộc xã Thạch Yên; chùa Quèn Ang, di tích lịch sử gắn với sự tích "Vườn hoa núi Cối”; quần thể di tích danh lam thắng cảnh núi Đầu Rồng thuộc thị trấn Cao Phong… Trong đó, quần thể di tích danh lam thắng cảnh núi Đầu Rồng được nhiều du khách lựa chọn là địa chỉ không thể bỏ qua mỗi chuyến du xuân. Dự án không gian văn hóa mo Mường đã được phê duyệt có địa điểm gần với khu Vườn hoa núi Cối - xã Hợp Phong. Huyện cũng đang xúc tiến các thủ tục tiếp nhận nguồn tài trợ công đức trị giá 50 tỷ đồng để xây dựng ngôi chùa mới nằm phía trên chùa Khánh - xã Thạch Yên.

Tính đến hết tháng 9, các khu, điểm du lịch của huyện đón 37.135 lượt khách nội địa, không có khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 10,5 tỷ đồng. Trong điều kiện bình thường mới, nhằm khôi phục thị trường du lịch nội địa, huyện triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch, tăng cường truyền thông, thông tin xúc tiến du lịch nội địa với thông điệp "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; đẩy mạnh tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của huyện quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý du lịch, nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế thực hiện ứng xử văn hóa, văn minh, có ý thức bảo vệ di sản văn hóa, tài nguyên - môi trường, góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu, sức hấp dẫn của điểm đến. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch như đường giao thông, bến thuyền, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành các điểm thăm quan du lịch. Bên cạnh đó, tập trung quảng bá tại các thị trường trọng điểm, chú trọng thị trường khách du lịch nội địa. Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, khôi phục một số làng nghề như dệt thổ cẩm xã Dũng Phong, mây tre đan xã Thu Phong, Hợp Phong…           

Bùi Minh

 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục