Hội nhập cùng xu thế du lịch thực tế ảo
Thông qua các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, các không gian ở các khu du lịch, bảo tàng, khách sạn, resort, điểm vui chơi giải trí… được số hóa với độ chính xác gần như 100% (sai số khoảng 1%). Dữ liệu sẽ được xử lý và đưa lên môi trường 3D. Mọi người từ khắp thế giới có thể trải nghiệm không gian được số hóa bằng thiết bị 3D như kính VR, hoặc màn hình hiển thị 2D thông thường (điện thoại, máy tính, ipad…). Công nghệ này được nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, đẩy nhanh trong số hóa các tài nguyên du lịch.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang bàn thảo các dự án, trong đó có “Metaverse Phuket City” tập trung vào du lịch và chăm sóc sức khỏe, hay “Amazing Thailand” đều hướng đến phát triển du lịch thực tế ảo. Tại Hàn Quốc, “Metaverse Seoul” được triển khai cuối năm 2022, mang đến không gian du lịch ảo tại các điểm đến như: quảng trường Gwanghwamun, cung điện Deoksu, chợ Namdaemun và những trải nghiệm bất ngờ tại lễ hội đèn lồng Seoul. Tại Ai Cập cũng vừa ra mắt thành phố ảo “Metatut”, nơi du khách trải nghiệm hành trình xuyên thời gian và không gian, tìm hiểu về lịch sử Ai Cập, giải trí và tương tác với những người khác trong không gian ảo. Hiện “Metatut” đã ra mắt 4 không gian: thung lũng của các vị vua, phòng mặt trời, cung điện Akhenaton và phòng giai điệu kỳ diệu.
Tại Việt Nam, thực tế ảo trong ngành Du lịch vẫn đang ở giai đoạn đầu. Một số địa điểm du lịch tại Việt Nam đã áp dụng công nghệ VR để mang đến trải nghiệm mới. Cụ thể, khu du lịch Hạ Long Wonder Park ở Quảng Ninh đã mở một phòng trò chơi VR, cho phép du khách khám phá vẻ đẹp Vịnh Hạ Long và các địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Tại Ðà Nẵng, Quảng Nam, Phú Quốc (Kiên Giang)… du khách có thể tham gia du lịch thực tế ảo ở một địa điểm. Cụ thể như “Mỹ Sơn Metaverse” (Quảng Nam); hay JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay có phòng thực tế ảo được trang bị công nghệ tiên tiến.
Tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đã có Kế hoạch Chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy sự tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch thành phố. Trong đó, ứng dụng công nghệ thực tế ảo là một trong 6 nội dung cần được chú trọng. Theo đó, ngành Du lịch sẽ số hóa toàn bộ điểm đến, sản phẩm du lịch, sự kiện văn hóa giải trí trên địa bàn, hướng đến việc xây dựng hình ảnh 3D (VR360) ở các điểm thu hút khách tham quan. Cụ thể, các điểm du lịch thử nghiệm ban đầu là: Ðền thờ vua Hùng, Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng, Nhà cổ Bình Thủy, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Ái Lam