Hội thảo khoa học toàn quốc về phát triển nguồn nhân lực quản trị du lịch cấp cao trong lĩnh vực khách sạn
Ngày 26/8, Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển nguồn nhân lực quản trị du lịch cấp cao trong lĩnh vực khách sạn tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa và TP. Đà Nẵng”. Dự hội thảo có đại diện Bộ VHTT-DL, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận đề cập đến vai trò quan trọng của nguồn nhân lực quản trị du lịch cấp cao trong lĩnh vực khách sạn; thực trạng nguồn nhân lực quản trị du lịch cấp cao khách sạn ở khu vực miền Trung. Trên cơ sở đó, các diễn giả và đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các mô hình, giải pháp để phát triển nhân lực quản trị du lịch cấp cao trong lĩnh vực khách sạn tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa và TP. Đà Nẵng.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, đến hết năm 2019, toàn quốc có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng, trong đó có 484 cơ sở 4-5 sao với ghơn 100.000 phòng. Trong đó, 5 tỉnh khu vực miền Trung có khoảng 130.000 phòng lưu trú (chiếm 20% của toàn quốc), trong đó hạng 4-5 sao có 191 cơ sở với 38.000 phòng (chiếm 38%). So với mặt bằng chung cả nước, chất lượng nhân lực quản trị du lịch cấp cao khách sạn của 5 tỉnh ở nhóm cao. Tuy nhiên, số lượng nhân lực quản lý cấp so với nhu cầu vẫn còn thiếu, nhiều cơ sở du lịch phải tuyển người điều hành hạn chế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý.
Cả nước có 1,3 triệu lao động du lịch, trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch; 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Cơ cấu trình độ nhân lực du lịch khách sạn Việt Nam có trình độ chênh lệch rất lớn. Trong đó số lao động có trình độ dưới sơ cấp chiếm đến 40%; trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm đến 51%; trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9%. Hàng năm, ngành du lịch cần 25.000 lao động mới và cần đào tạo lại con số tương đương nhưng các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được 60% dẫn đến thiếu trầm trọng về nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân sự cấp cao trong lĩnh vực quản lý khách sạn.
XUÂN THÀNH
Nguồn: Báo Khánh Hòa