Hoạt động của ngành

Hướng phát triển du lịch của Ba Chẽ

Cập nhật: 02/03/2020 09:29:37
Số lần đọc: 932
Huyện miền núi Ba Chẽ có nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Những năm qua huyện đã có nhiều giải pháp, từng bước đánh thức tiềm năng du lịch.


Du lịch đường thủy trên sông Ba Chẽ. Ảnh: Công Thành

Để khai thác và phát huy tốt tiềm năng du lịch, từ năm 2013 huyện triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di tích danh thắng huyện Ba Chẽ giai đoạn 2013-2015, định hướng năm 2020”. Việc bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống của các dân tộc đã và đang góp phần mang lại cho huyện nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị. Huyện đã xây dựng Đề án phát triển dịch vụ giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Từ năm 2019 đến nay, Ba Chẽ đã tổ chức thành công các lễ hội truyền thống: Đình Làng Dạ, xã Thanh Lâm; Lồng Tồng (lễ xuống đồng) tại xã Đạp Thanh; Miếu Ông - Miếu Bà kết hợp với hội thi văn hóa - thể thao các dân tộc. Huyện triển khai 2 dự án với mục tiêu duy trì, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích danh thắng trên địa bàn: Dự án Nhà văn hóa các dân tộc xã Lương Mông; Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi tôn tạo di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà…

Huyện tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa người Dao phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ”. Huyện mời nghệ nhân ở xã Sơn Lộ (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) về truyền dạy diễn múa và làm mặt nạ (chay tú sấy - ka đong) cho 15 học viên Dao Thanh Y tại xã Nam Sơn; mời nghệ nhân ở xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) về truyền dạy lễ nhảy lửa, múa bắt rùa, trò chơi vật chày cho 20 học viên là dân tộc Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc.

Huyện đầu tư, duy trì hoạt động của chợ phiên các cụm xã Lương Mông, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Đồn Đạc; phát huy chợ trung tâm thị trấn, điểm bán hàng OCOP. Huyện quy hoạch phát triển thêm một số sản phẩm: Công viên sinh thái rừng ngập mặn, các điểm du lịch sinh thái rừng nguyên sinh, du thuyền trên sông Ba Chẽ… Đồng thời tiếp tục chỉnh trang đô thị, hệ thống chiếu sáng, mô hình, pano, biển hiệu; sắp xếp, bố trí phương tiện vận chuyển du khách đến khu di tích Miếu Ông - Miếu Bà; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch; đảm bảo thu gom, xử lý rác thải, nước thải; triển khai các mô hình bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch.

Hệ thống hạ tầng điện, thông tin truyền thông, internet được đầu tư 100% đến các xã, thị trấn, một số điểm có tiềm năng du lịch. Trên địa bàn huyện hiện có 4 cơ sở lưu trú với 32 phòng nghỉ được công nhận cơ sở lưu trú du lịch địa phương; 10 nhà hàng dịch vụ ăn uống, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Trong đó, thị trấn Ba Chẽ có 6 nhà hàng có sức chứa từ 200 người/nhà hàng trở lên, cung cấp các món ăn là đặc sản địa phương, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Huyện tập trung phát triển 2 tuyến, 3 điểm du lịch. Tuyến 1: Thị trấn Ba Chẽ - xã Nam Sơn (phát triển theo hướng du lịch tâm linh); tuyến 2: Trung tâm thị trấn - xã Thanh Sơn - xã Thanh Lâm - xã Đạp Thanh (phát triển du lịch tâm linh kết hợp sinh thái, cộng đồng); 3 điểm: Di tích Miếu Ông - Miếu Bà; chợ trung tâm thị trấn; đình Làng Dạ. Huyện tiếp tục tập trung quảng bá các sản phẩm du lịch đến nhiều du khách và thị trường khác nhau; đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục