Kbang - Gia Lai: khuyến khích cộng đồng bản địa làm du lịch
Người Bahnar làm du lịch
Chỉ sau vài cuộc điện thoại gọi về từ bìa rừng dặn dò “người nhà”, anh Đinh Văn Nhân (làng Kon Bông, xã Đak Rong) yên tâm nói với đoàn du khách: “Trưa nay, đoàn tham quan thác Kon Bông xong sẽ ăn cơm ở nhà mình”. Sau đó, một bữa ăn thịnh soạn đủ cho 7 người đã được chuẩn bị chu đáo gồm gà luộc, gà kho, cá suối kho nghệ, cá suối gác bếp nướng chấm muối ớt, canh lá mì cà đắng nấu lòng gà. Cơm gạo rẫy nấu bằng nồi gang đặc biệt. Sau bữa ăn, anh Nhân đưa cho đoàn “hóa đơn” là một tờ giấy xé ra từ cuốn vở học sinh, ghi rõ giá từng món ăn. Anh nói thêm: “Món cá suối gác bếp là mình mời, không tính tiền nhé”.
Người đàn ông Bahnar lúc nào cũng cười tươi lộ hàm răng trắng đều tăm tắp. Mọi sự điều hành của anh đều gọn ghẽ, chuyên nghiệp. Nhà anh gần thác Kon Bông (thác 3 tầng), thác 95. Những năm gần đây, khách du lịch từ khắp nơi đổ về khá đông. Trước nhu cầu của du khách, anh huy động cả gia đình tham gia làm du lịch. Ban đầu, anh chỉ dám nhận làm vài con gà nướng, ít ống cơm lam đủ phục vụ một nhóm khách nhỏ. Sau đó quen việc, anh nhận phục vụ đoàn khách 20-30 người. “Vợ và em trai mình trực tiếp chế biến món ăn. Nếu khách đông, mình huy động thêm họ hàng phụ giúp làm gà, nướng gà, hái lá mì, cà đắng, làm cơm lam. Mỗi suất ăn cho một người giá trung bình 200 ngàn đồng, chủ yếu là các món truyền thống của người Bahnar. Nhiều người thích món ăn mình làm còn thưởng thêm tiền nữa”-anh Nhân kể.
Du khách tham quan thác Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc
Thác Kon Bông có vẻ đẹp kỹ vĩ. Thác có 3 tầng nước rõ rệt nên còn được gọi là thác 3 tầng. Nước từ trên cao đổ xuống, đi qua những bãi đá nhấp nhô phía dưới. Những bãi đá ẩn mình dưới tán rừng nguyên sinh quanh năm mát mẻ. “Mấy năm nay, du khách từ khắp nơi đổ về khá đông để cắm trại, picnic. Không chỉ khách ở Kbang, khách trong tỉnh mà cả ở Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ở đây còn thiếu nhiều dịch vụ cho khách”-anh Nhân cho biết.
Hỗ trợ cộng đồng làm du lịch
Kbang hiện là địa phương sở hữu loại hình du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất của tỉnh. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nguyễn Tấn Thành trong một số chuyến khảo sát du lịch phía Đông tỉnh từng nhận định: “Huyện Kbang có nguồn tài nguyên phong phú bậc nhất về du lịch của tỉnh. Vùng đất này hội đủ các yếu tố để phát triển nhiều loại hình du lịch: sinh thái, văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, Kbang có di tích Khu 10 là căn cứ cách mạng, là điểm đến giàu cảm xúc cho các cựu chiến binh lẫn thế hệ con cháu. Nếu nói du lịch chính là sự trải nghiệm thì Kbang là vùng đất tuyệt vời để trải nghiệm nhiều loại hình”.
Để khuyến khích người dân tham gia vào “ngành công nghiệp xanh”, huyện Kbang đã có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng làm du lịch. Một số khóa đào tạo kỹ năng làm du lịch đã được huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức như lớp “Kỹ năng làm du lịch cộng đồng” trang bị kiến thức cho hơn 100 học viên tại thị trấn Kbang và các xã: Nghĩa An, Tơ Tung, Đak Rong và Krong. Hiệu quả hơn là huy động làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng) làm du lịch, hình thành sản phẩm “Làng du lịch cộng đồng” đầu tiên tại Gia Lai. Ông Y Phương-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Để hỗ trợ người dân, chúng tôi tăng cường phối hợp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách lưu trú; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách đi đôi với nâng cao kiến thức bảo vệ, khai thác tài nguyên thiên nhiên… Tổ chức các sự kiện văn hóa-du lịch để thu hút du khách và quảng bá các điểm đến, giúp người dân hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Ngoài ra, huyện triển khai kế hoạch thử nghiệm mô hình dịch vụ homestay, khai thác giá trị ẩm thực địa phương, văn hóa cộng đồng để tạo sức bật cho du lịch”.
Người Bahnar làm mẫu cho du khách chụp ảnh trong thác 50. Ảnh: Nguyễn Trung
Dấu ấn văn hóa độc đáo còn lưu giữ đậm đặc ở các làng Bahnar vùng Đông Trường Sơn là lợi thế lớn của Kbang để phát triển du lịch. Khi bắt tay làm du lịch, người dân cần được trang bị những kỹ năng cần thiết, cách khai thác những giá trị ẩm thực độc đáo và tính cách mộc mạc, hào sảng đặc trưng của người Bahnar để thu hút du khách. Trăm hay không bằng tay quen, tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch mới sớm thu nhận bài học kinh nghiệm nhanh và hiệu quả nhất. Anh Nguyễn Thanh Trung-một hướng dẫn viên chuyên dẫn tour trekking thác 50-cho hay: Đội ngũ support của anh phần lớn là người Bahnar. Họ hỗ trợ dẫn đường, khuân vác đồ đạc, hướng dẫn khách trải nghiệm cách băng rừng, lội suối, xử lý sự cố trên hành trình. Đặc biệt, họ kiêm luôn mẫu ảnh giữa thiên nhiên nguyên sơ. Du khách rất vui khi có được những tấm ảnh giàu màu sắc sử thi, hình ảnh người bản địa trong trang phục truyền thống bên những ngọn thác kỳ vĩ. “Ban đầu, họ cũng bỡ ngỡ, lạ lẫm nhưng sau một vài lần theo chân các đoàn khách du lịch, kỹ năng phục vụ của họ tiến bộ trông thấy. Thu hút người dân tham gia làm du lịch, địa phương vừa phát huy giá trị di sản thiên nhiên, vừa khai thác các giá trị độc đáo của văn hóa bản địa thông qua con người. Các công ty lữ hành nên liên kết với người dân bản địa để hoạt động hiệu quả hơn, cũng là góp phần tạo việc làm và thu nhập cho họ. Có thể khẳng định sự có mặt của họ mang đến trải nghiệm hấp dẫn, thú vị và trọn vẹn cho du khách”-anh Trung chia sẻ.
Hoàng Ngọc