Khai mạc Triển lãm “Con đường” - sáng tạo nghệ thuật nâng tầm giá trị tranh dân gian
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: TITC
Dự lễ khai mạc có ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội; ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hà Nội; PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội; ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine; cùng các đại biểu đến từ các sở, ban, ngành trên địa bàn, các nghệ nhân, họa sĩ, khách tham quan…
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine cho biết, đây là hành trình mà Latoa Indochine đã ấp ủ từ lâu, với tư tưởng bảo tồn những giá trị, tinh hoa văn hóa. Đồng thời mong muốn giữ gìn và khôi phục dòng tranh dân gian Việt Nam, giá trị văn hóa mỹ thuật, giá trị dân tộc, giá trị phong thủy và đưa lên một tầm cao mới; đưa giá trị truyền thống lan rộng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn phải là một trong những dòng sản phẩm được cả thế giới đón nhận.
Bảo tàng Hà Nội đón nhận biểu tượng bức tranh danh nhân Nguyễn Trãi. Ảnh: TITC
Triển lãm trưng bày gần 100 tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi nhóm nghệ nhân của Latoa Indochine với những đề tài tranh dân gian nổi tiếng như tranh Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng nhưng được làm mới hoàn toàn trên chất liệu tranh sơn mài khắc (kết hợp giữa sơn mài và khắc). Với cách thể hiện đặc biệt mới mẻ này, triển lãm “Con đường” mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc, đồng thời góp phần phát triển một nét văn hóa xưa lên tầm cao mới, hòa quyện giữa dân gian bình dị trong dòng chảy hiện đại, cao cấp.
Một số bức tranh trưng bày tại triển lãm. Ảnh: TITC
Tranh sơn mài khắc là sự kết hợp sáng tạo và độc đáo của 2 phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc. Mỗi tác phẩm trước hết được phác thảo, dùng công cụ khắc lõm từng chi tiết để tạo các nét đen như tranh dân gian truyền thống. Tiếp đó dùng sơn then, sơn cánh gián lên màu sơn mài, thép vàng, thép bạc… mỗi màu một lớp, sau mỗi lớp là một lần mài. Toàn bộ công đoạn cho một tác phẩm lên tới 15 – 20 bước và mất khoảng 3 tháng hoàn thiện.
Các bức tranh sơn mài với đề tài tranh dân gian không chỉ giữ nguyên được các nét, hồn cốt của tranh dân gian mà còn tạo thêm cho tranh những sắc thái mới bằng các kỹ thuật chạm khắc, dát vàng, bạc tạo được các mảng màu đối lập và bắt sáng làm cho các bức tranh dân gian mang một hình ảnh mới sang trọng và giá trị hơn.
Triển lãm mang đến thông điệp cần bảo tồn và giữ gìn những nét đẹp truyền thống, văn hóa lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và các dòng tranh dân gian nói riêng, đưa Bảo tàng Hà Nội thành một điểm đến của công chúng yêu nghệ thuật truyền thống muốn tìm hiểu về tranh dân gian. Từ đó tạo tiền đề phát triển tranh dân gian trên sơn mài khắc thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc của thủ đô.
Bức tranh danh nhân Nguyễn Trãi. Ảnh: TITC
Triển lãm giới thiệu 3 nhóm tranh chính là nhóm tranh dân gian, nhóm tranh danh nhân Nguyễn Trãi và nhóm tranh Phật giáo. Đặc biệt, tại buổi lễ khai mạc, Bảo tàng Hà Nội đã đón nhận từ Latoa Indochine bức tranh chân dung Nguyễn Trãi được chuyển thể chất liệu sơn mài khắc.
Triển lãm tranh dân gian “Con đường” tại Bảo tàng Hà Nội sẽ kéo dài đến ngày 31/12/2022.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Bức tranh Đức Thánh Trần. Ảnh: TITC
Bức tranh Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ. Ảnh: TITC
Tranh Tứ bình. Ảnh: TITC
Tranh Tứ phủ công đồng. Ảnh: TITC
Tranh dân gian. Ảnh: TITC
Đại biểu và khách tham quan xem tranh. Ảnh: TITC
Biểu diễn nhạc truyền thống. Ảnh: TITC
Trung tâm Thông tin du lịch