Khám phá địa đạo Củ Chi
Tái hiện một xưởng may dưới địa đạo cung cấp quần áo cho quân dân Củ Chi.
Địa đạo Củ Chi là tên gọi chung của toàn hệ thống địa đạo trên địa bàn Củ Chi, với tổng chiều dài khoảng 200km hầm, có chiều sâu 3 tầng. Tầng trên cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6m, tầng dưới cùng sâu hơn 12m.
Ban đầu nơi đây chỉ là những hệ thống hầm rời rạc, sau do nhu cầu trú ẩn, sinh hoạt và chiến đấu nên các hệ thống hầm được kết nối liên hoàn với nhau. Ở nơi đây người dân đã thiết lập một cuộc sống đặc biệt: Ăn ở, sinh hoạt, sản xuất, chiến đấu ngay trong lòng đất. Hai khu địa đạo lớn nhất vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn là Địa đạo Bến Đình và Địa đạo Bến Dược.
Điều đặc biệt là hệ thống địa đạo được đào hoàn toàn bằng sức người, có các nhánh chính và nhiều nhánh nhỏ kết nối với nhau, có nhánh ra tận sông Sài Gòn. Các đường hầm giao thông hẹp có chiều cao hạn chế, chỉ đủ một người đi lom khom. Những khu chức năng khác như nơi ở, hội họp, sản xuất, ổ chiến đấu có diện tích và chiều cao lớn hơn.
Tầng trên cùng có thể chịu được sức công phá của đạn pháo và tải trọng của xe thiết giáp. Liên hoàn trong hệ thống địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, hầm chỉ huy, hầm giải phẫu...
Ngoài ra, nơi đây còn có cả hầm lớn được ngụy trang khéo léo để xem phim, văn nghệ. Hệ thống đường hầm được thông lên mặt đất qua các lỗ thông hơi và các cửa bí mật chỉ vừa một người chui lọt. Các lỗ thông hơi thường được làm giả tổ mối hoặc giấu trong các bụi cây nên khó phát hiện.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, quân đội Mỹ - ngụy đã nhiều lần tấn công hệ thống Địa đạo Củ Chi nhưng đều thất bại trước hệ thống phòng ngự kiên cố và độc đáo này.
Tới thăm Địa đạo Củ Chi, du khách có cơ hội trải nghiệm các hoạt động như chui hầm địa đạo, ăn các món ăn thời chiến hay bắn súng quân dụng... Đây cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động cho thanh, thiếu niên và là điểm “về nguồn” của các cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ.
Củ Chi được mệnh danh là “đất thép” với hệ thống địa đạo đặc biệt, là nơi ghi dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Sài Gòn - Gia Định. Năm 2015, nơi đây được công nhận là Khu di tích quốc gia đặc biệt, ghi thêm dấu son cho miền đất thép anh hùng.