Hành trang lữ khách

Khám phá 9 điểm đến của du lịch Quảng Ngãi khiến dân phượt mê mệt

Cập nhật: 11/07/2019 09:32:52
Số lần đọc: 1165
Nhắc đến du lịch Quảng Ngãi du khách thường nghĩ ngay tới Lý Sơ, tuy nhiên mảnh đất miền Trung này còn có rất nhiều điểm đến thú vị khác để bạn khám phá.

1. Đảo Lý Sơn

Đảo Lý Sơn, hay còn gọi là Cù Lao Ré, vốn là một miệng núi lửa đã tắt, có sức hút vô cùng mãnh liệt đối với bất cứ ai đam mê du lịch và thích khám phá. Cách Quảng Ngãi 40 km đường biển, đảo Lý Sơn không chỉ nổi tiếng là “vương quốc hành tỏi”, mà còn là một địa chỉ du lịch bỏ túi cho các tín đồ mê xê dịch.

Hòn đảo xinh đẹp với màu nước trong veo, và bạn có thể nhìn thấy đáy. Bạn sẽ thấy 3 màu nước một cách rõ rệt: ở gần bờ là nước màu trong trẻo, tiếp theo là lớp màu xanh ngọc và xa hơn là màu xanh da trời. Một khung cảnh đẹp tuyệt vời mà chắc chắn bạn sẽ muốn nhảy xuống, ngâm mình trong dòng nước mát rượi này.

2. Thác Trắng Minh Long

Thác thuộc xã Thanh An, huyện Minh Long, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 23 km về hướng Tây Nam. Bao quanh thác là vùng đồi núi trập trùng, ngập tràn màu xanh của cây lá nên khung cảnh rất nên thơ, trong lành và tĩnh lặng. Thác Trắng cao chừng hơn 40 m, những dòng nước tuôn trào tung bọt trắng xóa các ghềnh đá phía dưới.

Nước đổ xuống hồ dưới chân thác rồi chảy theo con suối rộng chừng 20 m, nhấp nhô đá, chảy quanh co trong thung lũng trước khi hợp với các khe suối khác. Trong hồ nước dưới chân thác còn có nhiều cá niêng, một loại đặc sản được nhiều du khách ưa thích.

3. Đồng muối Sa Huỳnh

Đồng muối Sa Huỳnh nổi tiếng là vựa muối lớn và quan trọng ở miền Trung, thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, bà con diêm dân nơi đây tất bật trên đồng làm nên hạt muối Sa Huỳnh chất lượng.

Khung cảnh những ruộng muối Sa Huỳnh nối tiếp nhau như mặt gương khổng lồ phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ, điểm xuyến vô số những đụn muối trắng tinh, cùng những đôi gánh tần tảo của diêm dân… tất cả tạo nên một bức tranh bình dị mà đặc sắc.

4. Mũi Ba Làng An

Ba Làng An là một mũi đất thuộc Ba Làng An thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Địa danh có tên gọi này là do có ba làng cùng có tên là An: An Hải, An Vĩnh, An Kỳ. Mũi Ba Làng An là mũi đất cuối bán đảo châu Mỹ Đông, cách Cù Lao Ré 22 km phía Tây Nam. Trạm đèn biển Ba Làng An (thôn Phú Quý, Bình Châu, Bình Sơn) ở mỏm ngoài cùng của mũi Ba Làng An. Ngọn hải đăng nơi đây luôn chớp sáng dẫn lối tàu thuyền ra vào cảng Sa Kỳ. Nhìn từ Tịnh Kỳ, Ba Làng An là mũi đất được tạo nên từ những trầm tích của nham thạch đổ tràn thoải dần theo hướng biển. Từ đây có thể nhìn thấy đảo Lý Sơn.

Đây là một trong những mũi đất nổi bật tạo nên hình dáng bờ biển Việt Nam và là địa phận đất liền gần nhất với quần đảo Hoàng Sa. Các thông số đo đạc địa lý cho thấy, Việt Nam nằm gần nhất với Hoàng Sa và vị trí đất liền gần nhất với quần đảo này được xác định chính là Ba Làng An với chiều dài 135 hải lý. Trong khi đó, khoảng cách từ Hoàng Sa đến đất liền lục địa Trung Hoa tối thiểu phải hơn 230 hải lý.

5. Núi Cà Đam

Núi Cà Đam là ngọn núi cao 1.431m, cao nhất trong các ngọn núi ở Quảng Ngãi. Ở đây quanh năm suốt tháng mây vờn, nhiều đồng bào dân tộc thi thoảng đi rừng còn nhìn thấy loài sâm bảy lá. Từ TP Quảng Ngãi phải vượt qua 50 km lên huyện miền núi Trà Bồng. Từ đó theo đường liên huyện Trà Bồng – Tây Trà qua dốc Eo Chim cao trên 1.000 m rồi vượt thêm một cung đường dài khoảng 20 km để đến chân con đường mới mở lên Cà Đam.

Cà Đam chinh phục khách đường xa bằng dãy núi hùng vĩ, có chóp núi cao ngất giữa lưng chừng trời. Theo gió, mây ngàn tụ hội rồi kéo nhau đi, màu xanh của núi lại hiện ra rồi thoáng chốc lại lẫn khuất trong mây. Ở Cà Đam trong ngày khí hậu cũng thay đổi. Nếu buổi sáng ấm áp thì đến trưa trời mát mẻ, chiều xuống se lạnh và đêm mùa đông thì giá lạnh hơn nhiều.

6. Đèo Vi Ô Lắc

Đèo Vi Ô Lắc so với những con đèo khác của tỉnh Quảng Ngãi thuộc hàng khá dài và cao, với rất nhiều khúc cua tay áo. Đèo nằm trên Quốc Lộ 24, là một trong những trục đường chính nối vùng Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Con đèo này khi xưa rậm rạp hoang vu và có rất nhiều cây sưa.

Từ đỉnh đèo có thể phóng tầm nhìn bao quát xuống vùng đất phía dưới. Bốn bề đều là núi non nối tiếp nhau thành một địa hình nhấp nhô không hồi kết. Xa xa phía chân núi là những thửa ruộng bật thang của đồng bào dân tộc thiểu số.

7. Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng

Nằm trên cả ba tỉnh Gia Lai, Bình Định và Quảng Ngãi, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được thành lập từ năm 2004. Với tổng diện tích 15.446 ha, mật độ che phủ rừng là 98,5%, hệ sinh thái của khu bảo tồn được đánh giá đa dạng và phong phú về chủng loại với gần 1.000 loài động, thực vật. Không chỉ vậy, đây là khu bảo tồn thiên nhiên hiếm hoi còn sở hữu nhiều loại gỗ quý cùng nhiều loài động vật được ghi vào sách đỏ.

Ngoài đa dạng sinh học, khu bảo tồn Kon Chư Răng còn có rất nhiều cảnh đẹp với hệ thống thác tuyệt đẹp, trong đó có thác K50 cao đến hơn 50 m. Vì vậy, phần lớn diện tích trong khu bảo tồn Kon Chư Răng được xếp vào khu vực cần bảo tồn nghiêm ngặt.

8. Đèo Long Môn – TL625

Đoạn đường TL625 từ ngã ba Thanh An đến ngã ba Sơn Kỳ kéo dài khoảng 25 km, bạn sẽ đi qua đèo Long Môn và thác Trắng Minh Long. Với khung cảnh tuyệt đẹp không kém gì Tây Bắc hùng vĩ, đứng từ đèo Long Môn bạn có thể phóng tầm nhìn xuống toàn cảnh thung lũng Thanh An đẹp hút hồn.

Cung đường TL625 ôm sát dòng suối Bồ Nung uốn lượn đầy kích thích với những ai đam mê khám phá. Tuy nhiên, càng đến gần Sơn Kỳ con đường càng khó đi nên nếu chinh phục con đường này ngoài tay lái cứng, bạn còn cần phải chuẩn bị cho mình một chiến mã đủ tốt vì dọc đường rất vắng.

9. Cung đường Trường Sơn Đông: 630 – 623 – 626 – 622

Cung đường Trường Sơn Đông trong địa phận tỉnh Quảng Ngãi đi qua các tỉnh lộ 630, 623, 626, 622 sẽ thực sự thoả mãn các phượt thủ bởi đèo dốc liên tục không ngừng. Dài 134km tính từ Đắk Cua, Ngọc Tem (ranh giới tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum) đến ga Bình Sơn, đường Trường Sơn Đông mang đến những khung cảnh choáng ngợp.

Không nên đi cung đường này vào mùa mưa bởi rất nhiều nguy hiểm rình rập, đất đá có thể sạc lở bất cứ lúc nào. Thời gian thích hợp nhất để khám phá là vừa kết thúc mùa mưa, đó là khi các loài hoa dọc đường Trường Sơn bung nở, không khí mát mẻ dễ chịu sẽ mang đến cho bạn cái nhìn đẹp nhất về cung đường huyền hoại này./.

Nguồn: ivivu.com

Cùng chuyên mục