Khám phá Ninh Thuận - vùng đất bí ẩn
Du khách tham quan hang Rái.
Thiên nhiên hoang sơ, độc đáo
Nhắc đến Ninh Thuận với “thủ phủ” là thành phố Phan Rang, người ta nhớ ngay đến câu nói: “Gió như phang, nắng như rang”. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy sự khắc nghiệt của điều kiện khí hậu nơi đây. Nhưng chính điều đó cùng với sự cấu thành địa chất đặc biệt đã tạo cho Ninh Thuận những địa danh, thắng cảnh độc đáo, hoang sơ, hấp dẫn du khách.
Theo con đường tỉnh lộ 702 khoảng 35km về phía Đông bắc Ninh Thuận, chỉ mất hơn nửa giờ đồng hồ du khách sẽ đến hang Rái (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Nằm trong quần thể Vườn quốc gia Núi Chúa, cùng với các danh thắng như: Thác Năm tầng, bãi Thịt, vịnh Vĩnh Hy, hang Rái được biết đến như là một tuyệt tác của thiên nhiên với lịch sử hình thành hàng triệu năm cùng những đứt gãy của các tầng địa chất tạo cho nơi đây khung cảnh độc đáo hiếm có. Anh Hồ Quốc Bảo, hướng dẫn viên của Công ty TNHH Thương mại và du lịch Tiến Vinh - Ninh Thuận cho biết: Hang Rái từ lâu đã là điểm “check-in” không thể thiếu của du khách khi đến với Ninh Thuận.
Đây từng là nơi sinh sống của loài rái cá với hàng trăm cá thể, bởi thế mới có cái tên “hang Rái”. Hang Rái được chia thành nhiều khu, trong đó có thềm san hô với niên đại hàng triệu năm, có hồ nước nhỏ xinh hình trái tim - một bức tranh kỳ thú được tạo bởi bàn tay của thiên nhiên, có “thác trên biển” - những dòng chảy được tạo bởi sóng vỗ vào các tầng đá. Thời điểm lý tưởng nhất để ngắm phong cảnh kỳ ảo nơi đây là lúc sáng sớm hoặc khi hoàng hôn buông xuống. Du khách có thể tham gia tour cắm trại 2 ngày 1 đêm tại Công viên đá để đón mặt trời nhô lên từ phía biển, được chứng kiến cảnh đàn rùa biển bò lên bờ đẻ trứng tại Khu chăm sóc và bảo tồn rùa biển cách đó không xa...
Cũng nằm trong khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, cách hang Rái chỉ vài ki lô mét là vịnh Vĩnh Hy - vịnh nước trồi duy nhất của Việt Nam. Vùng nước trồi là hiện tượng khá hiếm trên thế giới, chỉ xuất hiện ở một số nước như: Hoa Kỳ, Marocco, Peru, Thái Lan... Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm ngắm san hô trên tàu đáy kính, tham quan bãi Cóc, bãi Vách Đá, đầm Đăng..., tập chèo thuyền thúng đi đánh cá cùng ngư dân, thưởng thức các món hải sản tươi sống vừa đánh bắt. Chắc chắn đó sẽ là những trải nghiệm khó quên với du khách.
Cách hang Rái không xa là vườn nho Thái An (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Tại đây, du khách được thăm những vườn nho rộng hàng chục hecta với hai giống chính là nho xanh và nho đỏ. Nho Ninh Thuận khác với nho ngoại nhập ở hình dáng, màu sắc và hương vị độc đáo, sạch, chất lượng cao...
Bà Đàng Thị May, chủ một vườn nho ở thôn Thái An cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2ha trồng hàng trăm gốc nho xanh và nho đỏ. Mỗi năm cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng từ việc bán nho tươi, làm rượu nho, mật nho, nho sấy khô cùng nhiều sản phẩm khác”. Du khách đến vườn nho của bà May hay bất cứ vườn nào cũng đều được chào đón nhiệt tình, được thưởng thức các đặc sản chế biến từ nho.
“Sự thân thiện, không chèo kéo, ép khách của chủ vườn khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Bạn có thể mua hàng hoặc không, nhưng chính sự xởi lởi của chủ vườn khiến tôi đặc biệt ấn tượng, do đó càng muốn mua nhiều sản phẩm hơn”, chị Trần Thu Hà, một du khách từ Hà Nội chia sẻ.
Đi tìm sản phẩm chủ lực
Không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên hoang sơ, độc đáo, Ninh Thuận còn là vùng đất bí ẩn chưa được khai phá với tài nguyên nhân văn dồi dào, phong phú. Nơi đây còn gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hóa Chămpa, bao gồm chữ viết, dân ca và nghệ thuật múa, trang phục và nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc...
Đặc biệt, các di vật khảo cổ học được phát hiện ở xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) còn cho thấy Ninh Thuận từng là nơi phát tích của nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây khoảng 2.500 năm. Văn hóa Chăm được thể hiện rõ nét qua hệ thống di tích còn lại đến ngày nay như: Tháp Po Klong Garai, tháp Pô Rômê, tháp Hòa Lai...
Song song với đó là các di sản văn hóa phi vật thể vẫn được người Chăm bảo tồn nguyên vẹn qua nhiều thế hệ: Lễ hội Katê, lễ hội Ramưwan, lễ hội Cầu Ngư; các làng nghề phản ánh rõ nét những phong tục tập quán, đời sống văn hóa của người Chăm như: Làng gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp... Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quý báu góp phần định hình bản sắc riêng cho du lịch Ninh Thuận.
Tuy nhiên, có một thực tế là du lịch Ninh Thuận bao năm nay “vẫn như cô gái đẹp ngủ quên, chưa được đánh thức”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và du lịch Vietsense.
“Thực tế, tiềm năng du lịch của Ninh Thuận rất nhiều. Cứ nhìn các resort ven biển sẽ thấy tiềm năng khai thác dòng khách nghỉ dưỡng cao cấp của Ninh Thuận lớn thế nào, nhưng việc tiếp cận những nơi này lại không thuận lợi do hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Hơn nữa, Ninh Thuận cũng chưa định vị được sản phẩm chủ đạo để tăng cường đầu tư, xúc tiến quảng bá cho thương hiệu du lịch của địa phương...”, ông Tài nói.
Chung quan điểm ấy, ông Kiều Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Đông Dương Á Châu (AIC Travel) cho rằng: Văn hóa Chăm ở Ninh Thuận là một trong những “chất liệu” làm nên sản phẩm đặc thù. Vì thế, Ninh Thuận cần tăng cường quảng bá nhằm nêu bật những giá trị văn hóa tiêu biểu để hút khách và tạo nên các sản phẩm khác biệt.
Ông Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Việc xây dựng sản phẩm du lịch nói chung luôn được Ban chỉ đạo chú trọng. Ngoài việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống, Ban Chỉ đạo đặc biệt đề cao các sản phẩm đặc thù phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Bên cạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, Ninh Thuận cũng đưa 12 sản phẩm đặc thù gồm: Nho, táo, măng tây, nha đam, rong sụn, tôm giống, cừu, dê Ninh Thuận, tỏi Phan Rang, nước mắm Cà Ná, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc.
“Đây là 12 sản phẩm chủ lực sẽ góp phần tạo thương hiệu và mang lại giá trị kinh tế cao cho việc phát triển du lịch của Ninh Thuận trong tương lai”, ông Bình chia sẻ.
Nhằm tăng cường, thu hút các nhà đầu tư, Ninh Thuận đã phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018 - 2020. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 49 dự án du lịch được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 16.972 tỷ đồng; trong đó, có 20 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.259 tỷ đồng; 14 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn đăng ký 9.052 tỷ đồng... Đấy là sự khởi sắc của Ninh Thuận trong việc tạo cơ chế, thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch cùng địa phương. Khi hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, giao thông được cải thiện, chắc chắn du lịch Ninh Thuận cũng sẽ có những bước nhảy vọt trong tương lai.