Khám phá trang phục của đồng bào Thổ
Người Thổ ở Nghệ An cư trú tập trung ở các huyện phía Tây của tỉnh như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Đồng bào Thổ sống cận cư với đồng bào Thái nên đời sống sinh hoạt, văn hóa đều bị "Thái hóa".
Từ xa xưa, người Thổ có nghề trồng bông truyền thống nhưng lại không nắm được kỹ thuật dệt vải, nhuộm vải, thêu thùa. Hầu hết phụ nữ Thổ đều sử dụng váy của đồng bào Thái (nhóm Thái Man Thanh hay còn gọi là Thái -Thanh). Với chất liệu sợi bông, nhuộm chàm, có sọc viền ngang chân váy, khi mặc những đường sọc của váy tạo thành các đường tròn song song quanh trục thân.
Đi cùng chiếc váy áo là chiếc dây lưng, là một miếng vải rộng chừng 30 cm được xếp đôi lại, thường được nhuộm màu xanh là chính. Khi thắt lưng, thường thắt gút về một bên hông rồi gắt hai múi lên cho gọn, không thả dải xuống như người Thái.
Phụ nữ Thổ thường dùng chiếc khăn vuông khổ rộng khoảng 80 cm, gấp lại để đội đầu. Loại thứ nhất là khăn vải bình thường, đủ màu, thường hay được sử dụng khi đi làm việc để lau mồ hôi và trùm lên đầu che nắng là chính.
Loại thứ hai là khăn dùng trong các ngày lễ, tết... Loại khăn này có màu trắng. Ngày nay chiếc khăn đội đầu của người Thổ khá đơn giản, còn trước đây cách cuốn khăn cũng khá phức tạp: Đầu tiên người nữ tộc Thổ xếp khăn lại sao cho có hình tam giác, sau đó để cái dải tam giác ấy ở trước trán, kéo hai múi khăn quanh đầu ra phía sau và thắt gút chặt lại ở sau gáy, xong thì hất ngược cái phần tam giác ở trước mặt lên qua đầu, kéo ra phía sau, trùm kín toàn bộ tóc, thành ra trông chiếc khăn giống như một chiếc mũ trắng đội trên đầu.
Cùng với trang phục của phụ nữ, đàn ông người Thổ ngày trước thường mặc quần áo theo kiểu bộ quần áo bà ba ngày nay, quần có đũng rộng, thường là màu nâu.
Còn ngày nay, chỉ những lúc có việc vui, buồn trong nhà, trong làng hoặc các dịp lễ, tết, còn lại đều mặc như người Kinh.
Có thể thấy, nét giản đơn trong trang phục của đồng bào Thổ so với trang phục của các dân tộc khác, đã tạo nên sự khác biệt, riêng có không lẫn vào đâu. Và cũng chính điều đó, góp phần tạo nên sự đa sắc màu trong tổng thể 54 dân tộc Việt Nam./.