Hành trang lữ khách

Độc đáo Tết 20/8 của đồng bào Thái

Cập nhật: 25/09/2020 14:43:56
Số lần đọc: 907
Cùng với ăn rằm tháng 8 thì ăn tết vào ngày 20/8 âm lịch hàng năm là một trong những phong tục được đồng bào Thái vùng Văn Sơn (Đồng Văn, Tân Kỳ) duy trì, thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần, với tâm nguyện thỉnh bái “Nàng đòi” - một vị thần tối cao.

Theo truyền thuyết của người Thái: "Nàng đòi" là một cô công chúa xinh đẹp trên cung đình đã đến tuổi lấy chồng, được gả cho một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn của làng kế bên. Nhưng sau khi lấy nhau về, nàng mới phát hiện ra chồng mình không phải là người, mà chính là Trư Bát Giới. Quá uất ức, nàng trốn xuống nhân gian khóc ròng rã và không lâu sau đã tự kết liễu đời mình. Lúc bấy giờ, mưa giông bão bùng bất ngờ kéo đến, lũ lụt càn quét hết các bản làng. Bao nhiêu của cải, ruộng vườn đều bị mất sạch, con người trần gian sống trong cảnh lam lũ và khổ cực. Khi đó trong dân chúng cũng không có gì nhiều nên đã bàn với nhau lấy chuối non, nếp gạo và thịt băm nhuyễn trộn đều, đem hông lên làm mọc, dâng lên thắp hương làm lễ cúng cho nàng bày tỏ sự thành kính, cầu mong mọi điều tốt lành đến với nhân dân. Chỉ một thời gian ngắn, thời tiết thay đổi, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cuộc sống của dân bản trở lại đầm ấm, yên vui. 

Cũng từ đó ngày 20/8 âm lịch hàng năm vừa là ngày giỗ để tưởng nhớ đến "nàng đòi”, vừa là ngày tết của bản, của mường cầu mong cho một năm mới mùa màng bội thu. Cũng như các dân tộc khác trên mọi miền đất nước, mâm cơm trong ngày tết của người Thái được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Tuy nhiên, dù có thay đổi nhưng mâm cơm cúng tết của đồng bào nơi đây vào ngày 20/8 không thể thiếu món mọc.

Nhiều người cho rằng ngày tết hay những lễ lạt khác mà thiếu món mọc là chưa trọn vẹn. Quả thực, với người Thái thì mọc là món ăn quen thuộc. Giải thích về ý nghĩa của món ăn này, những cụ cao niên nói: Gói mọc trong mâm cúng để cầu sự no ấm. Trong gói mọc có thịt, gạo và những thứ gia vị như sả, hành, tỏi, cây chuối non... Trong đó, gạo giã nhuyễn thể hiện mong muốn mùa màng luôn tươi tốt. Thịt và những thứ gia vị nói lên mong muốn về sự giàu có, đủ đầy. Còn lá dong dùng để gói mọc nói lên ước mơ về một gia đình ấm cúng, mọi người biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Ông Vi Văn Thành, một thầy mo cho biết: “Món mọc của người dân Văn Sơn hiện nay mặc dù mỗi gia đình có thể chế biến những loại nhân khác nhau. Nhà thì nhân thịt gà, nhà thì nhân nhộng ong hay các con vật ở trong rừng... Nhưng nhìn chung vẫn giữ được hương vị nét cổ xưa”.

Người dân trong vùng thường thay nhau trông giữ và cúng thổ địa ngay giữa làng, vì vậy cứ đến dịp lễ tết mọi người gom góp nhau mỗi gia đình từ 2- 3 gói mọc để làm mâm cỗ đầy. 

Sau khi làm lễ, người dân tộc Thái trong làng tập trung lại với nhau bên chum rượu cần với điệu múa lăm vông cùng nhau nhảy múa vui vẻ. Mọi người quây quần chúc tụng nhau, sang năm mới có một cái tết no ấm và đầy đủ hơn. Với ý nghĩa đó, tết 20/8 hàng năm vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa riêng có của đồng bào Thái ở xóm Văn Sơn./.

                                                                                                    Phương Thúy

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục