Hành trang lữ khách

Hấp dẫn du lịch canh nông ở Đồng Nai

Cập nhật: 25/09/2020 14:05:58
Số lần đọc: 1163
Nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân đang hướng tới cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, nhiều nhà vườn ở Đồng Nai đã xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái vườn (DL canh nông) để tiêu thụ nông sản tại chỗ, mang lại lợi nhuận và tạo thêm sản phẩm du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ vườn trái cây Sáu Hùng, là một trong những nông dân làm DL canh nông sớm nhất tại xã Bình Lộc, TP Long Khánh. Trước đây, trái cây của bà con đến ngày thu hoạch phải thuê nhân công hái và bán với giá rẻ nên lợi nhuận không bao nhiêu,  nhưng từ khi mô hình du lịch vườn phát triển, ngày càng nhiều bà con đã liên kết và mang lại lợi nhuận cao hơn. Cây trồng sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, khách về vườn được tận hưởng không khí trong lành cũng như thưởng thức trái cây ngon, an toàn. Từ 14 hộ ban đầu vào năm 2016, đến nay Long Khánh đã có 112 hộ tham gia vào chuỗi liên kết DL canh nông với đầu mối là các hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp và hộ nông dân.

Du khách tham quan một vườn bưởi ở Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu

Theo thống kê, tổng diện tích các vườn cây ăn trái tham gia mô hình DL canh nông tại TP Long Khánh ước tính gần 200ha; trồng xen canh các loại cây đặc trưng như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, ổi, bưởi da xanh, mít... Từ năm 2018 đến nay, Long Khánh đã tiếp đón và phục vụ trên 1.200 đoàn khách, với gần 100.000 lượt khách tham quan, thưởng thức các loại trái cây với tổng doanh thu ước hơn 60 tỷ đồng, giúp nhà vườn đạt thu nhập đến 130 triệu đồng/ha.

Tại huyện Định Quán, vườn trái cây Dì Út ở xã Phú Cường là một trong những địa điểm du lịch miệt vườn nổi tiếng của Đồng Nai trong thời gian gần đây. Vườn có diện tích gần 8ha, là mô hình du lịch cộng đồng liên kết với nông dân. Đến đây, du khách có thể tập đổ bánh xèo, làm bánh trôi nước; tham quan vườn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bơ và thưởng thức trái cây hái tại chỗ, tùy theo mùa và còn được trải nghiệm bắt cá nướng ăn tại chỗ… Gần đó là trạm dừng chân, thưởng thức ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) gắn với tuyến đến Khu du lịch Suối Mơ - Vườn quốc gia Cát Tiên, cũng thu hút du khách về quy trình sản xuất sô cô la, rượu ca cao, mua sắm các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu ca cao. 

Theo ông Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Long Khánh, để phát triển và nhân rộng mô hình DL canh nông, yêu cầu đặt ra với Long Khánh nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung chính là sự quan tâm, đầu tư xây dựng phát triển vùng DL canh nông một cách bài bản; trong đó cần phải tính đến đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất đặc thù để phục vụ du khách. Bởi hiện hầu hết diện tích cải tạo để làm DL canh nông đều thuộc quy hoạch đất nông nghiệp nên không được cấp phép xây dựng các hạng mục như nơi lưu trú, lều trại, nhà vệ sinh, bể bơi, hồ cá… Mặt khác, cần đào tạo tay nghề và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch cho người lao động tại các khu, điểm du lịch và hộ tham gia hoạt động DL canh nông.

TIẾN MINH

Nguồn: Báo SGGP

Cùng chuyên mục