Khánh Hòa: Cần chăm chút cho quà lưu niệm
Cải thiện về không gian trưng bày
Một chiều giữa tháng 9, chị Jung So Min cùng bạn trai (du khách đến từ Hàn Quốc) ghé cửa hàng bán đồ lưu niệm Ớt Hiểm (30 Nguyễn Thiện Thuật, TP. Nha Trang). Hàng lưu niệm ở đây được sắp xếp khá đẹp mắt, nhân viên khá thân thiện. Sau câu chào ban đầu, nhân viên cửa hàng để khách thoải mái xem đồ chứ không đeo bám mời mọc như các hàng quán ở chợ. Đồ lưu niệm được để sẵn giá nên khách có thể lựa chọn những thứ vừa với túi tiền của mình như: Những chiếc nón lá truyền thống của người Việt, hình thiếu nữ bằng sứ, bưu ảnh in hình các cảnh đẹp Nha Trang, những chiếc khay đan bằng tre, túi cói, đồ thổ cẩm... Chỉ cần 20.000 đồng, du khách có thể mua được một tấm bưu ảnh nhỏ xinh in hình Tháp Trầm Hương, Tháp Bà Ponagar… để làm quà tặng cho người thân. Sau khi xem, chị Jung So Min đã chọn mua chiếc xích lô nhỏ xinh để đánh dấu chuyến du lịch đến Nha Trang.
Chị Jung So Min cùng bạn trai xem hàng lưu niệm tại shop hàng lưu niệm Ớt Hiểm.
Khai trương vào tháng 5, khu bán hàng lưu niệm và đồ thủ công mỹ nghệ ở tầng 5 của Trung tâm thương mại Gold Coast có diện tích 3.200m2, hiện có 7 quầy hàng lưu niệm cùng với Sống Concept (tổ hợp bao gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thời trang tái chế độc đáo từ vật liệu tái chế và các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên). Ở đây bày bán rất nhiều đồ lưu niệm, từ những đồ làm bằng tre, gáo dừa, vỏ sò, cho đến hàng thủ công mỹ nghệ bằng sơn mài, gốm sứ, giày dép, túi cói… Các gian hàng được sắp xếp rất hợp lý, đẹp mắt toát lên phong vị truyền thống của Việt Nam. Theo chị Nguyễn Thị Lanh, người sáng lập Sống Concept, điểm yếu nhất trong hàng lưu niệm Việt Nam không phải là chất lượng món hàng mà là không gian sống của hàng lưu niệm. Hàng lưu niệm sẽ tăng lên giá trị rất nhiều khi được trưng bày đẹp mắt, khi “sống” đúng trong không gian văn hóa của nó. Chính vì vậy, khi Trung tâm thương mại Gold Coast mở khu trưng bày hàng lưu niệm và đồ thủ công mỹ nghệ, chị đã lên ý tưởng để tổ chức Sống Concept với việc bày bán hàng lưu niệm. Chị còn thường xuyên tổ chức các workshop về đàn tranh, dạy vẽ nón lá, vẽ tranh... để tôn vinh và giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam đến khách du lịch và khách địa phương.
Cần những mẫu hàng đặc trưng
Ngoài 2 địa điểm trên, ở Nha Trang hiện nay có khá nhiều shop bán hàng lưu niệm dọc theo các tuyến phố Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Biệt Thự… và nhiều nhất là chợ Đầm. Các mặt hàng lưu niệm đa dạng hơn so với trước đây. Tuy nhiên, dấu ấn hàng lưu niệm của Nha Trang vẫn còn khá mờ nhạt. Ngoài hàng lưu niệm từ vỏ sò, vỏ ốc, các bưu ảnh, những miếng nam châm in hình phong cảnh Nha Trang…, gần như du khách rất khó tìm thấy những mặt hàng lưu niệm độc đáo của Nha Trang. Chính vì vậy, du khách ghé qua các cửa hàng lưu niệm khá đông nhưng lượng khách mua hàng không nhiều. “Chúng tôi muốn tìm những món đồ có thể gợi nhớ về Nha Trang nhưng không nhiều. Đồ lưu niệm ở đây cũng khá giống với đồ lưu niệm ở Đà Nẵng, chỉ khác ở dòng chữ in, khắc tên điểm đến…”, ông Robert Anke (du khách Đức) nêu ý kiến sau khi tham quan một số hàng lưu niệm ở chợ Đầm.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, bên cạnh lưu trú, ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, kinh doanh hàng lưu niệm cũng đem lại nguồn thu không nhỏ nếu biết đầu tư khai thác. Trước dịch Covid-19, Khánh Hòa từng đón 7 triệu lượt khách lưu trú/năm. 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã đón hơn 5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Với một lượng khách du lịch đông đảo, cơ hội để sản xuất, kinh doanh mặt hàng lưu niệm rất lớn, đáng tiếc do thiếu sự đầu tư, chưa được chú trọng đúng mức nên đến nay du lịch tỉnh chưa khai thác được nhiều. Trong buổi tổng kết Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa bày tỏ nuối tiếc về sự hạn chế các mặt hàng lưu niệm có tính đặc trưng của Nha Trang - Khánh Hòa. “Nếu có những món quà lưu niệm mang biểu tượng, biểu trưng Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa, chắc chắn du khách sẽ mua tặng người thân. Chúng ta không có những món quà như thế không chỉ mất đi cơ hội để kiếm tiền, mà còn tự đánh mất cơ hội để quảng bá hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa đến với quốc tế”, ông bày tỏ. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân đã giao Sở Du lịch chủ trì tham mưu kế hoạch tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm quà tặng du lịch Nha Trang - Khánh Hòa để phục vụ cho công tác đối ngoại của tỉnh, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng quà lưu niệm của du lịch xứ Trầm Hương.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sở đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm quà tặng du lịch Nha Trang - Khánh Hòa và đang lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch trình UBND tỉnh ban hành. Hy vọng, khi cuộc thi này được tổ chức, ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ có thêm nhiều mẫu sản phẩm lưu niệm đặc trưng để phục vụ nhu cầu mua quà tặng, quà lưu niệm của du khách.
Xuân Thành