Hoạt động của ngành

Phú Quý nỗ lực triển khai hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch

Cập nhật: 15/09/2023 16:53:25
Số lần đọc: 609
(TITC) - Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, danh lam thắng cảnh với những bãi biển, những bãi đá san hô, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, nguồn hải sản phong phú, đặc sản quý hiếm và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Vẻ đẹp đảo Phú Quý (Ảnh: Vinpearl)

Với diện tích khá nhỏ, chỉ 18km2, tuy nhiên tiềm năng văn hóa, du lịch của huyện đảo lại rất dồi dào với Hòn Tranh - một trong quần thể các đảo nhỏ của Phú Quý, vịnh Triều Dương - sự lãng mạn của biển - cát, bãi Đồi Dương - kết hợp hài hòa của rừng cây, dốc đá, làng chài… Tất cả đều toát lên vẻ đẹp của một bức tranh phong cảnh tuyệt vời với bãi biển phẳng lì, cát trắng mịn, nước trong xanh, cảnh quan bình yên…

Bên cạnh tài nguyên về du lịch biển đảo, Phú Quý còn có nhiều điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, trong đó có các di tích lịch sử-văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia như Vạn An Thạnh, Chùa Linh Quang, Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh, Chùa Linh Sơn… Con người Phú Quý cần cù, chất phác và hiếu khách. Đảo Phú Quý trở thành một điểm đến hấp dẫn và đầy tiềm năng khai thác phát triển kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận.

Để những nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc này được quảng bá rộng rãi hơn, khai thác hiệu quả hơn để thu hút và phục vụ du khách bốn phương, huyện đảo Phú Quý đang nỗ lực triển khai hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Hệ sinh thái chuyển đổi số ngành du lịch

Ngày 2/8/2023 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số tại huyện Phú Quý. Đây là hoạt động của tỉnh nhằm triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Mục tiêu đặt ra là tiến hành chuyển đổi số toàn diện tại huyện Phú Quý, xây dựng hình ảnh huyện đảo hiện đại, năng động và cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân, du khách, doanh nghiệp. Đưa Phú Quý trở thành một điểm đến hấp dẫn cả trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân và tăng nguồn thu ngân sách của địa phương.

Đối với du lịch, Phú Quý sẽ triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại địa phương; tăng trải nghiệm, tiện ích cho du khách; thu hút lượng khách đến lần đầu và quay trở lại huyện đảo các lần tiếp theo; tăng tiêu dùng của du khách.

Cụ thể sẽ triển khai các nền tảng số phục vụ giao dịch phổ biến trong hoạt động du lịch như: thuê xe, đặt phòng, thanh toán không dùng tiền mặt; quản lý việc check-in khách sạn, check-in khu điểm du lịch; hợp đồng tour, kế hoạch tour điện tử; chuỗi liên kết giảm giá khuyến mại, các chương trình ưu đãi xúc tiến du lịch nhằm thu hút khách quay lại nhiều lần.

Triển khai các nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước như: số liệu báo cáo, thống kê liên quan đến hoạt động du lịch của các ngành chức năng (lưu lượng du khách, đăng ký lưu trú, công suất phòng được khai thác, chi tiêu của du khách, thu thuế…).

Cũng theo Kế hoạch, huyện Phú Quý sẽ triển khai sử dụng vé điện tử (mỗi người dân, du khách sử dụng 01 vé điện tử thống nhất) để phục tất cả các hoạt động phổ biến hàng ngày, như: Vé tàu, vé tham quan các điểm di tích, du lịch, kiểm soát ra/vào cảng Phú Quý…; Triển khai nền tảng số phục vụ người dân và du khách mua vé trực tuyến, thanh toán điện tử; kiểm soát ra/vào các điểm công cộng; Sử dụng vé điện tử phục vụ cơ quan nhà nước có số liệu báo cáo, thống kê các hoạt động thường ngày của người dân và du khách; hỗ trợ ra quyết định và xử lý các tình huống nhanh chóng, chính xác hơn.

Huyện đảo cũng sẽ triển khai sử dụng nền tảng thẻ quốc gia (Thẻ Việt) đến mọi người, du khách sinh sống, tham quan, du lịch, công tác tại huyện Phú Quý gắn với các hoạt động phổ biến, hàng ngày như: Sử dụng làm danh thiếp, chữ ký số cá nhân, tài khoản số sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt (chi phí khám chữa bệnh, học phí, điện, nước, cước viễn thông,…); sử dụng làm thẻ hội viên các Hội, Câu lạc bộ; sử dụng làm thẻ học sinh (phục vụ kiểm soát ra/vào lớp học, điểm danh), sử dụng làm thẻ công chức, viên chức, người lao động (phục vụ kiểm soát ra/vào cơ quan, doanh nghiệp; điểm danh tại các cuộc họp,…). Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu huyện Phú Quý, kết nối liên thông dữ liệu của nền tảng Thẻ quốc gia triển khai tại Phú Quý với các nền tảng số liên quan phục vụ công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, trường học…

Để triển khai, ngày 17/8/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và các Tổ triển khai Chương trình Chuyển đổi số huyện Phú Quý. Theo đó, đối với Tổ triển khai thẻ thanh toán (Thẻ Việt) và Tổ triển khai chuyển đổi số du lịch sẽ mời Lãnh đạo Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) làm Tổ trưởng.

Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia

Thời gian qua, với vai trò là đơn vị đầu mối về chuyển đổi số du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tập trung triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh với các nền tảng số du lịch cốt lõi ở tầm quốc gia, gồm có: Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam tích hợp các dữ liệu quan trọng của ngành du lịch; Hệ thống báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; nền tảng số quốc gia “Quản trị và Kinh doanh du lịch” được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển; Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia hỗ trợ giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” hỗ trợ toàn diện cho khách du lịch trong nước và quốc tế; hệ thống vé điện tử; hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media guide)…

Cùng với đó là các trang mạng du lịch quốc gia của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong đó, website https://vietnamtourism.gov.vn hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, website https://vietnam.travel quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế; cùng với các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, YouTube, Instagram...

Trung tâm Thông tin du lịch cũng đã xây dựng bộ Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch nhằm hình thành một bộ tài liệu hướng dẫn chung trong toàn ngành về chuyển đổi số. Tài liệu sẽ là khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.

Đồng thời, Trung tâm Thông tin du lịch đã hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn nhiều địa phương trên cả nước triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong du lịch như: Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn La, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bắc Kạn, Lào Cai, Cần Thơ, Kon Tum, Gia Lai, Hà Nội…

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 15/9/2023

Cùng chuyên mục