Khánh Hòa: Để du lịch tỉnh phát triển bứt phá
Sẽ khó khăn khi vào mùa thấp điểm
Những ngày hè rực rỡ, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa nườm nượp khách. Các điểm tham quan nổi tiếng như: VinWonders Nha Trang, Khu di tích Tháp Bà Ponagar, Bến tàu du lịch Nha Trang… luôn nhộn nhịp bước chân du khách. Các khách sạn dọc tuyến đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng có công suất phòng rất cao. Theo báo cáo của Sở Du lịch, ước tính từ đầu năm đến hết tháng 7, toàn tỉnh đón hơn 4 triệu lượt khách lưu trú, tăng 175,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 996,6 nghìn lượt khách quốc tế và hơn 3 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu du lịch ước đạt gần 19.040 tỷ đồng, tăng 148,6% so với cùng kỳ.
Khách du lịch tại Bến du thuyền Ana Marina.
Chỉ tiêu đón 4 triệu khách lưu trú trong năm 2023 đã sớm hoàn thành, tuy nhiên thời gian qua, lượng khách du lịch đến tỉnh chủ yếu là khách nội địa (chiếm hơn 75%). Khi mùa cao điểm du lịch hè đi qua, lượng khách nội địa sút giảm. Từ đầu tháng 8 đến nay, lượng khách đặt phòng đã giảm khá nhiều, nhất là nửa sau của tháng 8. “Trong tháng 7, công suất phòng của Grand Gosia đạt hơn 90%. Dự kiến trong tháng 8, công suất phòng sẽ giảm chỉ còn khoảng 65%”, ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc điều hành khách sạn Grand Gosia chia sẻ.
Những năm trước dịch Covid-19, vào mùa thấp điểm khách nội địa, du lịch tỉnh vẫn sống khỏe nhờ lượng khách quốc tế (chiếm hơn 50% lượng khách du lịch của tỉnh). Tuy nhiên hiện nay, dù đã có nhiều cải thiện, thị trường khách quốc tế vẫn còn thua xa trước dịch Covid-19. Thị trường khách Trung Quốc phục hồi chậm hơn dự kiến, khách Nga đến Khánh Hòa vẫn khá nhỏ giọt vì không có đường bay thẳng, khách ở khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia…) chưa có tính ổn định. Một số khách sạn đã lên kế hoạch giảm nhân sự, thắt lưng buộc bụng để vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới. “Hiện nay, khách sạn trên địa bàn Nha Trang - Khánh Hòa đã mở cửa trở lại trên 90%. Tuy vậy, lượng khách sắp tới sẽ sút giảm rất sâu. Chính vì thế, ngành Du lịch nói chung, các cơ sở kinh doanh lưu trú nói riêng phải nỗ lực rất lớn để vượt khó khăn”, ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Chi hội Khách sạn Khánh Hòa (thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) bày tỏ.
Vượt khó để bứt phá
Sau dịch Covid-19, bức tranh du lịch đã có nhiều thay đổi, khách nội địa trở thành nguồn khách chính của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Tuy nhiên, khách nội địa luôn có mùa cao điểm và thấp điểm rất rõ nét. Ở thị trường khách quốc tế, Hàn Quốc đã trở thành thị trường khách lớn nhất của du lịch Việt Nam cũng như Khánh Hòa. Thực tế đó buộc ngành Du lịch và các doanh nghiệp du lịch phải có sự thích ứng. “Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang xây dựng kế hoạch thu hút các đoàn khách từ các hội nghề nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong mùa du lịch thấp điểm sắp tới. Đồng thời, ngành Du lịch cũng nỗ lực xúc tiến, quảng bá để mở rộng thị trường khách quốc tế, nếu làm tốt điều này không chỉ tăng được số lượng khách, mà còn hướng đến sự cân bằng trong cơ cấu khách du lịch của tỉnh”, ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa bày tỏ.
Từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Sở Du lịch đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối, quảng bá để thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, thị trường khách quốc tế luôn có những “biến số” do tác động của các yếu tố khách quan, rõ nhất chính là xung đột giữa Nga - Ukraine đã chặn đứng đà phục hồi của thị trường khách Nga. Do đó, trong năm nay, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá để phục hồi thị trường khách Trung Quốc, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã có những kết nối để khai thác thêm trị trường khách Úc, Ấn Độ, Indonesia… “Chúng tôi hy vọng với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông quảng bá, cùng với chính sách thị thực (visa) mới có sẽ góp phần thu hút nhiều hơn lượng khách quốc tế trong mùa đông năm nay”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ.
Trong kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã xác định “sẽ phát triển du lịch theo hướng hiện đại, có chất lượng, có thương hiệu, có trọng tâm, trọng điểm, phát triển đồng thời du lịch nội địa và quốc tế”. Như vậy, để phát triển bứt phá, về dài hạn, du lịch Khánh Hòa cần một sự thay đổi lớn về chất. Thực tế cho thấy, những năm qua, tuy có những cải thiện nhưng du lịch tỉnh vẫn ít sản phẩm mới; các sản phẩm du lịch vẫn dựa rất lớn vào khai thác nét đẹp tự nhiên của biển đảo. Tại hội thảo du lịch cuối tháng 5-2023, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Khánh Hòa cần tập trung kêu gọi đầu tư các khu du lịch, khu vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm thương mại hiện đại, hệ thống khách sạn có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh cần nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị, hệ thống bãi đỗ xe, hỗ trợ hoạt động du lịch, bảo đảm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch…
Xuân Thành