An Giang: Thực hiện Chương trình ''Mỗi xã một sản phẩm'' gắn với phát triển du lịch
Chị Châu Ngọc Dịu giới thiệu sản phẩm đường thốt nốt Palmania đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Phương Nghi
Để sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số vươn xa
Thời gian qua, An Giang tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh từ các làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer ở xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên; làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; các sản phẩm từ nghề rèn ở huyện Phú Tân... Ngoài ra, phát triển các sản phẩm từ cây thốt nốt như đường thốt nốt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bánh bò thốt nốt..., đưa hình ảnh cây thốt nốt đến với người tiêu dùng và du khách, góp phần tăng nét đặc sắc, tạo giá trị gia tăng cho từng sản phẩm.
Đến nay, thị xã Tân Châu có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó có 2 sản phẩm riêng của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong là tung lò mò (lạp xưởng bò) và lò mò Pđăm (khô bò) đều đạt 3 sao của hộ kinh doanh Anas. Hiện, 2 sản phẩm của người Chăm đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.
Ông Hứa Hoàng Vũ, chủ hộ kinh doanh Anas cho biết: Tung lò mò và lò mò Pđăm là món ăn quen thuộc của người Chăm trong ngày lễ Roya Haji. Thời gian đầu, gặp nhiều khó khăn do hương vị chưa phù hợp với khẩu vị thực khách các tỉnh, thành phố nên ông nghiên cứu rút ra công thức chế biến chung và được đón nhận. Để giữ thương hiệu, ông luôn chú trọng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm...
Một điển hình về sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc Khmer huyện miền núi Tri Tôn là đường thốt nốt sệt Palmania của doanh nhân Chau Ngọc Dịu, Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania (thị trấn Tri Tôn), đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền, sản phẩm OCOP đạt 4 sao và được đề xuất sản phẩm OCOP quốc gia 5 sao.
“Palmania là đam mê, cũng là khát khao, đồng thời là nguyện vọng của đồng bào Khmer. Palmania đảm bảo 100% tự nhiên, không dùng chất phụ gia, vì không sử dụng phương pháp tách mật nên khi làm thành dạng bột, sản phẩm vẫn giữ được hương thơm, vị ngon đặc trưng của thốt nốt và các khoáng chất có trong mật thốt nốt sệt truyền thống. Hiện nay, sản phẩm mật thốt nốt Palmania được phân phối tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 50 điểm bán hàng và công ty đang xúc tiến sản phẩm tại thị trường châu Âu” - chị Dịu chia sẻ.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch
Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương, thể hiện truyền thống, phong tục tập quán sinh hoạt của người dân. Do vậy, khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP giới thiệu đến du khách là rất cần thiết. Để gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm OCOP, góp phần định vị điểm đến, tạo nét khác biệt, thu hút du khách, đòi hỏi các cấp, các ngành có sự phối hợp đồng bộ, mỗi chủ thể của điểm đến hay sản phẩm OCOP cần chú ý gìn giữ phát huy và chuyển tải các giá trị văn hóa đặc trưng trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các sản phẩm OCOP của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang tại Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên năm 2023. Ảnh: Phương Nghi
Sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP tại thị xã biên giới Tịnh Biên đạt được kết quả tích cực, hiện nay, các sản phẩm OCOP của Tịnh Biên như đường thốt nốt Ngọc Trang, rượu cà na, cà na muối, mật ong, nước khoáng SM... đã được phân phối tại cửa hàng của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), các sân bay, điểm bán hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ. Đặc biệt, sản phẩm OCOP của Tịnh Biên ngày càng được người dân và du khách đón nhận, tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các chủ thể tăng sản xuất và doanh thu.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên cho biết: Hiện nay, Tịnh Biên đang thực hiện mục tiêu xây dựng 40 sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch, trong đó có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Qua rà soát, Tịnh Biên có 62 loại mặt hàng với 176 sản phẩm tiềm năng của 131 chủ thể, lũy kế đến nay, Tịnh Biên có 15 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thuộc 5 chủ thể.
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Mới đây, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số...
Trong năm 2023, An Giang đầu tư hơn 3.415 tỷ đồng để hoàn thiện các quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình OCOP để phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị và theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. An Giang phấn đấu đến cuối năm 2023, có thêm từ 40-50 sản phẩm đánh giá, phân hạng OCOP đạt từ 3 sao trở lên và có ít nhất 10 sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin: “An Giang có nhiều sản phẩm đặc sản gắn với các ngành nghề truyền thống. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững. Địa phương ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế và có giá trị truyền thống, đặc thù, xây dựng một số mô hình “xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương”, “thí điểm sản phẩm OCOP thuộc nhóm ngành du lịch - dịch vụ”.
Phương Nghi