Lạ miệng với cù kỳ
Ngày trước, ít ai quan tâm đến mấy con cù kỳ này. Khi ra các đảo, vào các ghềnh đá vùng biển ở Nha Trang có rất nhiều. Nó có mai màu nâu, không xanh óng ả như cua biển, mắt màu xanh lá cây giương ra lơ láo quan sát. Dễ nhận dạng nhất chính là 2 cái càng rất lớn, đó là phương tiện kiếm mồi, cũng là vũ khí của cù kỳ.
Để rồi có lần mấy anh bạn đi đảo, bắt một số con cù kỳ nướng ăn chơi, phát hiện ngon, thế là giới thiệu trên facebook và ngay tức khắc trở thành “đặc sản”. Vài nhà hàng ở Nha Trang lên thực đơn với nhiều món chế biến khác nhau: Hấp, nướng, nhồi thịt, miến xào… nói chung cũng như cách chế biến cua hoặc ghẹ.
Bạn đã ăn thịt cù kỳ chưa? Đó là câu hỏi khó vì đâu phải nhà hàng nào cũng có món cù kỳ? Vả lại, ngoài 2 tỉnh Quảng Ninh và Khánh Hòa có con cù kỳ với số lượng rất ít do săn bắt ở các đảo, đây là loại không được nhân nuôi. Nếu bạn được ăn sẽ thấy sự khác biệt so với con cua.
Con cù kỳ đực có 2 cái càng rất lớn. Phần thịt của càng cù kỳ rất chắc, không bị óp đi bởi con trăng như cua hay ghẹ. Chỉ cần ăn càng hoặc chế biến thức ăn bằng càng cù kỳ là đủ. Càng cù kỳ rất cứng nên phải dùng kẹp hoặc búa đập vỡ lớp vỏ rồi lấy thịt ra. Con cái cũng có gạch giống như cua, gạch cù kỳ béo béo. Vì mọi cái ngon đều dồn ở càng nên phần thân con cù kỳ nhỏ và ít thịt. Thân cù kỳ không trắng đẹp, thường có màu xanh rêu biển, có thể do cù kỳ ăn rong rêu bám trên vách đá chăng?
Tôi đã được ăn món cù kỳ hấp. Cảm giác ăn con cua ấy rất ngon và lạ miệng.
Khuê Việt Trường