Lâm Bình (Tuyên Quang) phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Đoàn viên Huyện đoàn Lâm Bình dọn dẹp vệ sinh tại khu vực lòng hồ thủy điện. Ảnh: Thu Trang
Anh Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, Lâm Bình được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá, du lịch cộng đồng homestay... Đi kèm với phát triển du lịch, huyện luôn chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường như: Xử lý chất thải từ hoạt động du lịch, thay đổi thói quen xả rác bừa bãi tại một số điểm du lịch... Theo đó, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và du khách chung tay bảo vệ môi trường.
Các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã đa dạng hóa cách tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Tiêu biểu như: Lồng ghép qua các cuộc họp thôn, bản, lớp tập huấn, tuyên truyền qua loa phát thanh; vận động các đoàn thể vào cuộc hưởng ứng dọn dẹp vệ sinh môi trường để tạo ra phong trào lan tỏa trên địa bàn. Ông Chẩu Minh Vỹ, chủ homestay Anh Thế, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can nói: “Nhiều năm nay du lịch phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Gia đình tôi hiện vừa làm nông nghiệp, vừa phát triển mô hình homestay, hàng năm đón hàng trăm lượt khách du lịch tới nghỉ dưỡng, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Được tuyên truyền, bản thân tôi luôn có ý thức phải giữ gìn vệ sinh môi trường, bên cạnh đó vận động bà con cùng tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan đẹp, môi trường sạch sẽ để thu hút khách du lịch”.
Để tránh việc xả rác bừa bãi, các địa phương đã đặt thùng đựng rác tại các điểm du lịch. Chị Lý Thị Ngoan, hướng dẫn viên du lịch tại xã Lăng Can cho biết, bên cạnh việc giới thiệu cảnh quan vẻ đẹp quê hương, chị cũng làm nhiệm vụ nhắc nhở du khách bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Với lượng khách du lịch lưu trú tại địa phương lên đến hơn 38.000 lượt khách/tháng, việc hạn chế rác thải nhựa từ hoạt động du lịch là điều hết sức cần thiết. Những năm qua, huyện đã xây dựng những tua du lịch “sạch”, nói không với rác thải nhựa để nâng cao chất lượng du lịch. Cụ thể là tại các điểm du lịch cộng đồng, du khách được sử dụng các dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc thiên nhiên từ tre, nứa, guột... Bà Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm chia sẻ, việc sử dụng cốc làm từ tre, túi đan bằng nứa, bằng vải của bà con trong thôn, thay cho những vật dụng bằng nhựa và túi ni lông đã giúp cho du khách được trải nhiệm cuộc sống thực tế của đồng bào dân tộc Tày xưa. Không những thế còn góp phần giúp cho địa phương giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và nâng cao chất lượng du lịch tại địa phương.
Bên cạnh đó, huyện cũng huy động sự vào cuộc của nhiều đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể cùng chung tay bảo vệ môi trường. Chị Nguyễn Thị Kiệm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khuôn Hà bày tỏ, Hội đã vận động hội viên tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường theo phương châm “sạch nhà - sạch ngõ” gắn với phong trào xây dựng mô hình “5 không, 5 sạch”. Hội chỉ đạo các chi hội đảm nhận đoạn đường tự quản, thường xuyên tổ chức dọn dẹp, thu gom rác thải ở đường làng, ngõ xóm, đường nội đồng, điểm du lịch. Các hội viên luôn nêu cao ý thức bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp để phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo anh Hoàng Anh Minh, đoàn viên xã Thượng Lâm, hàng tháng đoàn viên thanh niên xã tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, đẩy mạnh hoạt động phân loại rác đầu nguồn nhằm nâng cao ý thức của người dân. Cùng với đó, đoàn viên tích cực tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi ni lông được đông đảo nhân dân và du khách đồng thuận, hưởng ứng.
Với những cách làm phù hợp, ý thức của người dân địa phương trong bảo vệ môi trường được nâng lên. Từ đó, giúp cho huyện có được môi trường xanh, sạch, đẹp; tạo sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy du lịch trên địa bàn ngày càng phát triển./.