Hoạt động của ngành

Hưng Yên: Phát huy vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội

Cập nhật: 18/07/2019 14:21:29
Số lần đọc: 1529
Xác định vai trò, tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển mọi mặt của kinh tế – xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn” và Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 


Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của tỉnh tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2019

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã khẳng định: “…Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ; quan tâm phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; hình thành các điểm du lịch, các trung tâm vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái; đẩy mạnh loại hình du lịch văn hóa, tâm linh gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến ở thành phố Hưng Yên…”. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như: Kế hoạch số 60-KH/TU ngày 25/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 9.5.2018 của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030… Để phát triển du lịch, thu hút du khách đến với tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó: Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch;thực hiện tốt việc lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển du lịch;tổ chức nghiên cứu thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đổi mới về nội dung và phương thức quảng bá thông qua các hoạt động như: tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, giới thiệu, quảng bá du lịch tỉnh Hưng Yên tại Hà Nội, thành phố Nha Trang, Festival nghề truyền thống Huế năm 2019; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh một số di tích, lễ hội lớn, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nhằm xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có chuyên môn, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Với hơn 1.800 di tích và trên 400 lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm nét văn hóa, phong tục Việt cùng với các giải pháp đồng bộ phát triển du lịch mang tầm chiến lược lâu dài, Hưng Yên đang dần trở thành một địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với các khu, điểm du lịch của tỉnh như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến (đền Mẫu, đền Trần, chùa Chuông, Văn miếu Xích Đằng…) gắn với phát triển du lịch đường sông; điểm du lịch di tích đền Đa Hoà - Dạ Trạch gắn với tour du lịch sông Hồng); điểm du lịch di tích đền Đậu An; cụm di tích quốc gia đình Đại Đồng và chùa Nôm; khu đô thị sinh thái Ecopark, du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.... Qua từng năm, số lượng khách du lịch đến với Hưng Yên đều tăng lên đáng kể. Chỉ tính năm 2018, toàn tỉnh đón trên 900.000 lượt khách, tăng 13% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế đạt 20.000 lượt, tăng 16% so với năm 2017, khách nội địa đạt 880.000 lượt. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số lượng khách du lịch đến với tỉnh đạt khoảng 670.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018, cả năm ước đạt khoảng 1 triệu lượt khách, tăng khoảng 11%.

Việc đầu tư xây dựng các khu, điểm di tích phục vụ phát triển du lịch được tỉnh quan tâm. Một số dự án đang được đầu tư xây dựng quy hoạch như: Khu di tích Phố Hiến, con đường Gốm sứ, đền thờ Lạc Long Quân, mở rộng cảnh quan xung quanh hồ Bán Nguyệt; cụm di tích quốc gia đình Đại Đồng và chùa Nôm gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh đang triển khai lập các dự án thành phần trong quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch; dự án Quy hoạch khu di tích cấp quốc gia đình Đại Đồng và chùa Nôm gắn với phát triển du lịch để đầu tư phục dựng lại cùng với các chương trình, kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các khu di tích của tỉnh. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng du lịch, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung. Tuy nhiên, những khó khăn về hạ tầng, nhân lực, vốn, cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực cho phát triển du lịch vẫn đang tồn tại là những rào cản cho du lịch Hưng Yên phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Nhận thức được những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đối với phát triển du lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên đang nỗ lực thực hiện những giải pháp thích hợp nhằm phát triển kinh tế du lịch góp phần cùng với các ngành kinh tế khác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển hiệu quả, du lịch Hưng Yên cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau: Xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là về vốn để xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch tạo ra những điểm đến hấp dẫn du khách;cơ chế tham gia và huy động vốn đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; coi trọng việc mở rộng thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; chú trọng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, kết hợp với liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố để nối tour, tuyến, thu hút khách du lịch đến với tỉnh;triển khai đồng bộ, có hiệu quả: Kế hoạch số 60-KH/TU ngày 25/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 9/5/2018 của UBND tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh để thu hút khách du lịch; tập trung khai thác các lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh, phát triển hệ thống các khu di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội truyền thống, du lịch trải nghiệm với các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố về hợp tác xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, phát triển du lịch địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh; tham mưu, rà soát phê duyệt các khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch tiêu biểu...

Tin tưởng rằng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh, du lịch Hưng Yên sẽ có bước phát triển và khẳng định vị trí trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển du lịch cả nước.

Nguồn: Báo Hưng Yên

Cùng chuyên mục