Non nước Việt Nam

Làng nghề lên phim: Muôn nỗi trăn trở

Cập nhật: 11/05/2023 14:55:01
Số lần đọc: 409
Việc tái hiện các làng nghề truyền thống lên màn ảnh không mới, nhưng làm thế nào để nó không mang tính chất làm nền, ngược lại còn đóng góp quan trọng vào nội dung phim...


Bối cảnh làng chiếu trong Lật mặt - Tấm vé định mệnh. Ảnh: ĐPCC

Muôn màu

Màn ảnh Việt hiện có hai bộ phim đồng thời khai thác nét đẹp của các làng nghề truyền thống. Trên màn ảnh nhỏ là Lụa (đạo diễn Trần Đức Long) tái hiện làng nghề dệt vải Mã Châu (Quảng Nam). Còn trên màn ảnh rộng là hình ảnh thân quen của làng chiếu Định Yên - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 100 năm tuổi của Đồng Tháp trong Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (Lý Hải).

Trong quá khứ, không ít bộ phim hoặc chọn các làng nghề truyền thống là bối cảnh, hoặc trực tiếp đi sâu khai thác câu chuyện gắn liền với các ngành nghề. Gần đây nhất, đạo diễn, NSƯT Nhâm Minh Hiền có Màu cát nói về nghề làm tranh cát truyền thống. Trước đó, anh từng ghi dấu ấn với Mặn hơn muối về nghề muối. Đạo diễn Dũng Nghệ từng thực hiện Ngũ hợi tấn hỷ về nghề làm nước mắm truyền thống. Và còn đó những: Tơ duyên, Vương tơ, Thiên đường ở bên ta, Khi lác tỏa hương, Miền đất phúc, Hương phù sa, Chuyện tình làng hoa, Chuyện xứ dừa, Vũ điệu ngày xuân... với vô số làng nghề Việt từng xuất hiện lên phim.

"Chỉ có phim về nghề và cuộc sống mới đem tới sự chân thật trong cảm nhận xem phim và được lưu giữ vì có giá trị, không bị lạc hậu. Các câu chuyện về làng nghề truyền thống là một nét độc đáo của phim và cũng là một thế mạnh về hình ảnh, mang nhiều đề tài câu chuyện lý thú mà chỉ có nó mới có"- Đạo diễn Nhâm Minh Hiền

“Tôi muốn lồng ghép giá trị truyền thống để thế hệ sau tiếp nối và bảo tồn giá trị tốt đẹp nhất của lụa. Đồng thời cũng mong muốn gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của Việt Nam”, đạo diễn Trần Đức Long chia sẻ. Chung quan điểm, đạo diễn Lý Hải cho biết, trong phim nghề làm chiếu không phải nội dung chính xuyên suốt, chỉ là bối cảnh của nhân vật nhưng anh muốn tạo ra không khí, bức tranh về làng nghề truyền thống để các bạn trẻ có thêm hiểu biết. Nhưng quan trọng hơn, khi nghề dệt chiếu đang có nguy cơ ngày một mai một, anh chọn bối cảnh này vì muốn phục dựng lại làng chiếu, góp phần lưu giữ và mong khán giả biết đến một ngành nghề truyền thống quý giá.

Vượt khó

Thực tế, với các đạo diễn làm phim có liên quan đến các làng nghề truyền thống luôn có hai khó khăn thường trực. Thứ nhất, đó là việc làm sao để tái hiện làng nghề đó một cách chân thực, gần gũi trong bối cảnh kinh phí có hạn, đặc biệt với phim truyền hình. Một điều đáng ghi nhận là các đoàn phim thường nhận được nhiều sự hỗ trợ của bà con địa phương. Theo đạo diễn Trần Đức Long, nếu không có sự hỗ trợ của HTX dệt lụa địa phương từ khâu bối cảnh, hướng dẫn diễn viên các thao tác, thực hành, anh không dám chắc mình có được những khung hình đẹp, chân thực như thế khi lên phim.

Trong khi đó, khó khăn lớn hơn là làm thế nào vừa lồng ghép, tôn vinh làng nghề, nhưng đồng thời vẫn tạo nên một câu chuyện có tính gắn kết, mạch lạc. Theo đạo diễn Nhâm Minh Hiền, ban đầu bộ phim Màu cát chỉ là ý tưởng câu chuyện nghề và tôn vinh nghệ thuật tranh cát. Nhưng sau đó, anh và biên kịch Minh Anh đã cùng thống nhất viết lại kịch bản để đưa những câu chuyện đời thực vào một cách khéo léo, lồng ghép vào hành trình đi tìm màu cát và tình yêu đích thực; cuộc đấu tranh với cái xấu, bản ngã, từ đó làm bật lên cuộc mưu sinh của các nghệ nhân tranh cát. Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các bộ phim. Và thực tế, có không ít bộ phim từ mục đích ban đầu muốn góp phần tôn vinh nghề truyền thống, nhưng cuối cùng chỉ làm nền cho bối cảnh câu chuyện.

Hiệu quả các bộ phim về làng nghề truyền thống trước mắt tạo sự gần gũi, thu hút khán giả; xa hơn, nếu có sự phối hợp ăn ý giữa nhà làm phim, địa phương, sẽ góp phần tạo nên những giá trị nhất định trong việc quảng bá hình ảnh làng nghề, từ đó sẽ mang lại những danh tiếng cho làng nghề đến những lợi ích về kinh tế.

Văn Tuấn

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng - sggp.org.vn - Đăng ngày 11/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT