Non nước Việt Nam

Lào Cai: Tinh hoa văn hóa ẩm thực Bảo Yên

Cập nhật: 01/12/2021 05:34:06
Số lần đọc: 850
Từ lâu, Bảo Yên là vùng đất sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong cuộc mưu sinh, đồng bào nơi đây hình thành nên vốn văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền, đặc biệt trong đó có văn hóa ẩm thực trở thành nét độc đáo trong đời sống của người dân.  

Đồng thời, văn hóa ẩm thực đã và đang góp phần phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. 

Độc đáo và đa dạng

Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (dân tộc Tày ở xã Nghĩa Đô), người dày công nghiên cứu, giới thiệu về ẩm thực Bảo Yên cho rằng: “Từ xa xưa, ẩm thực của vùng quê Bảo Yên được tạo bởi những sản vật núi rừng, ruộng vườn, sông suối nơi đây, do chính bàn tay con người tạo ra. Chính nơi đây đã cung cấp những nguồn nguyên liệu chính gốc để làm nên những món ăn trong cuộc sống thường ngày của người dân”.

Ẩm thực mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền.

Ẩm thực ở vùng đất Bảo Yên có sự đa dạng và độc đáo. Trải qua năm tháng, đồng bào các dân tộc nơi đây đã sáng tạo ra những món ăn gắn với đời sống nông nghiệp, với nếp sống, tập quán và quan niệm nhân sinh, đặc biệt là phục vụ sức khỏe của mỗi người và cộng đồng. Khi nói đến các món ăn ở vùng quê Bảo Yên có thể phân loại ra thành các nhóm như nhóm ẩm thực được tạo ra từ hạt gạo và các loại ngũ cốc như xôi ngũ sắc, bánh chưng, bánh trứng kiến, bánh giầy, bánh dán, mèn mén, khoai môn, bánh khảo...

Nhóm ẩm thực từ sản vật trên núi rừng có măng rừng, rau dớn, rau đắng, canh lá vón vén, con hiu hiu, tôm bay, ếch đát nấu gừng, trám muối chua... Nhóm ẩm thực từ vật nuôi vườn nhà có lợn cắp nách, vịt lam ống nứa, canh gà nấu kiệu, cá hấp lá vả, thịt trâu gác bếp, nộm thịt trâu, thịt lợn muối chua, cá suối nướng, cá lam bắp bi, gỏi cá, da trâu muối...Nhóm các món ăn từ các loại quả, cây trong vườn nhà như các món từ cây cọ, nộm quả núc nác, nem măng...

Nét độc đáo trong ẩm thực ở Bảo Yên được thể hiện ở sự kết hợp tinh tế trong cách chế biến của người dân nơi đây. Khó có thể tìm thấy ở nơi đâu món cá lam bắp bi chuối trong ống nứa, khó tìm được nơi nào món thịt trâu vùi trong tro bếp vào mùa đông giá lạnh, rồi món canh chua nấu từ cá suối đuôi hồng và lá rau vón vén. Vào những mùa hè nóng nực, người dân thường hay nấu món ếch với gừng ăn vào thấy tinh thần thêm khỏe mạnh. Rồi thịt gà vàng ruộm nấu với củ kiệu còn xanh lá, nước canh trong vắt. Hay quả trám hái trên rừng về được trần qua nước nóng rồi cho vào ngâm với muối khoảng một tuần là được món trám muối vàng ươm ăn vừa chua vừa bùi, khó lòng quên được.

Sự đậm đà trong món ăn của Bảo Yên nhiều khi không phải tự bản thân nguyên liệu tạo ra mà do sự kết hợp của nhiều gia vị trong đó. Trong khẩu vị của mình, đồng bào các dân tộc ở Bảo Yên đặc biệt chú ý đến các gia vị của món ăn. Đây là một phần rất quan trọng tạo nên sức hấp dẫn. Gia vị của món ăn nơi đây cũng không phải cầu kỳ và khó kiếm. Đôi khi chỉ là những lá rau thơm trong vườn nhà hay hái trên rừng hoặc những loại hạt trên cây cao như hạt xẻn, hạt dổi, hạt tiêu...Những món chấm cũng rất đặc biệt, nhưng không chút cầu kỳ, chỉ bát muối ớt pha hạt dổi nướng để chấm thịt luộc thì ăn một lần mà nhớ mãi.

Thầy giáo Lý Chiến Gìn (dân tộc Mông, giáo viên trường THPT số 3 Bảo Yên) kể rằng: “Người Bảo Yên quan niệm nói và mặc có văn hóa thì ăn lại càng phải có văn hóa. Vì vậy, khi thưởng thức các món ăn, việc ăn và tình cảm trong mâm cơm sẽ góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn ấy”.

Qua “chín bậc tình yêu”, thực khách bước lên nhà sàn, ngồi giữa nhà để cảm nhận được cái ấm cúng tỏa ra từ bếp củi đang đỏ rực than giữa nhà, nhấp trên môi chén chà lam trong ống nứa để cảm nhận được hương vị của núi rừng. Rồi sau đó mới ngồi vào mâm.

Khi có lời mời của gia chủ, khách nâng chén rượu lên nhấp một chút để thưởng thức cái cay nồng của hương rượu, rồi sau đó nếm thử các món ăn do chủ nhà thết đãi. Ở Bảo Yên, người dân rất mến khách, trong mâm cơm, khi ngồi ăn, chủ nhà thường thết đãi khách những món ngon nhất trong nhà, những món ăn ấy do chính người nhà chế biến.

Nhà văn Việt Nam Hoàng Anh Tuấn (Lào Cai) cảm nhận: “Người Bảo Yên không khách sáo mà rất thực tâm, thực ý mời khách thưởng thức các món ăn của nhà mình chế biến ra. Và họ thường hay quảng bá món ăn mà khách đang thưởng thức ngay tại mâm cơm. Nếu thực khách có ý hỏi về món ăn đó thì chủ nhà sẽ say sưa kể về nguồn gốc, cách chế biến, cách ăn, rồi ăn vào mùa nào, ngày nào thì hợp...Điều đó sẽ thấy rằng người Bảo Yên không chỉ biết chế biến mà còn biết lưu giữ và phát huy giá trị ẩm thực của bản mình”.

Gắn liền với phong tục tập quán

Tinh hoa văn hóa ẩm thực ở Bảo Yên luôn đi liền với những phong tục, mà những phong tục ấy đã trở thành nét văn hóa vốn có từ lâu đời. Việc chế biến món ăn không phải là chế biến một cách tùy tiện mà phải theo một tập quán nhất định của đồng bào các dân tộc. Có những món chỉ được chế biến vào một ngày hay một mùa nhất định, hay có món chỉ được chế biến vào dịp cưới hỏi, ma chay... Chỉ một món bánh chưng thôi nhưng người Tày Bảo Yên lại có nhiều cách gói bánh. Đó là do vào nhiều dịp khác nhau thì hình dáng của bánh lại khác nhau.

Mâm cơm truyền thống ở vùng đất Bảo Yên với những món ăn hấp dẫn

Vào dịp Tết có thể gói bánh vuông và to, trong có nhân thịt và đậu xanh, nhưng vào rằm tháng Giêng lại gói bánh nhỏ bằng ba đầu ngón tay, không có nhân bên trong. Rồi món xôi cũng vậy. Xôi có 5 màu lá để chế biến. Người Tày phân định rất rõ các màu. Vào dịp nào thì thổi xôi nào đều được nhớ rất rõ. Hay món lá đắng xào rau dớn với mẻ chua thì chỉ vào dịp tháng 8, tháng 9, khi ấy lá đắng trên vách núi cao mới cho thu hoạch.

Ẩm thực của vùng đất Bảo Yên còn gắn với lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đó là sự gắn liền của ẩm thực với các lễ hội dân gian có từ ngàn xưa tại các đình, đền trên địa bàn huyện. Vào mỗi dịp lễ hội, người dân trong các bản làng đã chuẩn bị mâm lễ để dâng cúng tiên tổ, thành hoàng. Mâm lễ là các món ăn được lưu truyền, gìn giữ từ xa xưa đến nay đã thể hiện sự thành kính của con cháu đối với tiên tổ, với các bậc thánh thần có công với quê hương, đất nước. Điển hình là lễ cúng tại đền Bảo Hà, đền Nghĩa Đô, đền Phúc Khánh, đền làng Pịt, đền làng Lúc... Lễ hội cốm ở Việt Tiến, lễ dâng cốm ở các bản Tày, lễ hội xuống đồng đầu xuân.

Bà Nguyễn Thị Sinh (dân tộc Tày, xã Nghĩa Đô) chia sẻ: “Những món ăn của Bảo Yên được đồng bào các dân tộc lưu giữ và truyền lại cho con cháu. Chuyện ăn uống từ xưa đến nay không phải là chuyện ăn cho no mà còn là nét văn hóa, nhân cách và lối sống vốn được người Bảo Yên rất coi trọng. Ẩm thực Bảo Yên từ bao đời nay đã mang tâm hồn, cốt cách của những con người sinh ra và lớn lên trên miền đất văn hóa độc đáo này”.

Sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng

Nằm ở cửa ngõ vùng đất Lào Cai trong hành trình “về cội nguồn” Tây Bắc, là miền đất có dòng sông Hồng và sông Chảy hiền hòa, thơ mộng chảy qua, Bảo Yên từ lâu là miền đất hội tụ những tiềm năng du lịch, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Vốn văn hoá ẩm thực đã và đang là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng nơi đây.

Xác định được tiềm năng du lịch, năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên ban hành Nghị quyết lãnh đạo số 08-NQ/HU ngày 08/7/2019 về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Ngày 09/9/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3281/QĐ-UBND công nhận xã Nghĩa Đô là điểm du lịch.

Ông Cổ Hữu Cường, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô chia sẻ: “Trong không gian nhà sàn truyền thống, các gia đình người Tày ngoài việc biểu diễn cho du khách xem những tiết mục hát then, hát yếu truyền thống, kể cho khách nghe về văn hóa bản địa, phong tục, tập quán, các gia đình người Tày còn chế biến các món ăn mang đậm dư vị. Đó là những món ăn do chính bàn tay người Tày chế biến để thết đãi du khách. Vì thế, ngay từ đầu, du khách đã cảm thấy ấn tượng, tự nhiên và ấm cúng”.

Bởi vậy, có thể khẳng định, khi đến với vùng đất Bảo Yên, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị không chỉ là những phong tục tập quán mà còn được cảm nhận sự hấp dẫn, độc đáo của ẩm thực nơi đây.

Mỗi khi đặt chân đến vùng đất Bảo Yên, khung cảnh thơ mộng, hữu tình và dư vị đậm đà trong mỗi món ăn đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng du khách và bè bạn muôn nơi về nét văn hóa ẩm thực nơi đây.

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT