Hoạt động của ngành

Lễ Gạ Ma Thú được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 13/06/2019 16:11:28
Số lần đọc: 1105
Ngày 13/6, tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Ủy ban Nhân dân huyện Mường Nhé (Điện Biên) tổ chức Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của cộng đồng dân tộc Hà Nhì đang sinh sống ở 4 xã cực Tây Tổ quốc, gồm Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn.


Lễ cúng thần rừng của cộng đồng dân tộc Hà Nhì. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Trước đó, tại Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL, ngày 29/1/2019, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 26, lễ Gạ Ma Thú nằm trong danh mục 17 di sản được tôn vinh.

Trong lễ tục vòng đời, lễ Gạ Ma Thú là nghi lễ lớn, quan trọng nhất trong năm của cộng đồng người Hà Nhì, được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm để hướng về cội nguồn, tổ tiên, ông bà, tri ân các vị tiền bối có công khai phá, bảo vệ bản mường, tạ ơn trời đất, tổ tiên, các đấng siêu nhiên phù hộ cho người dân mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi, làm ăn phát triển...

Đây cũng là dịp để mọi người cùng nghỉ ngơi, vui chơi, mừng mùa Xuân mới.

Trong 3 ngày diễn ra lễ Gạ Ma Thú, người dân dừng các công việc trên nương rẫy, không gây mất đoàn kết, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, lòng đất để tránh rủi ro cho nhân dân trong bản.

Các thầy cúng trong những ngày này phải giữ mình sạch sẽ để thực hiện các nghi lễ với 8 mâm cúng.

Trong ngày thứ nhất và ngày thứ hai, các gia đình chuẩn bị lễ vật của mình, đàn ông chuẩn bị lợn, gà, đan giỏ đựng trứng; phụ nữ chuẩn bị gạo, trứng gà nhuộm đỏ, xôi nhuộm vàng...

Buổi chiều, các gia đình mang lễ vật tượng trưng cho những vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất và thể hiện một cuộc sống thanh bình sung túc, vật phẩm phong phú của dân bản để làm 8 mâm cúng, thực hiện các nghi thức: Cúng đầu bản (cúng chính), cúng thần nước (phía Tây), cúng thần rừng (phía Đông), cúng thần gió (phía Bắc), cúng thần đất (phía Nam), cúng vong linh...

Ngày thứ ba, khi còn tinh mơ, cả bản đã thơm lừng mùi cơm nếp, bánh ngô để làm quà cho khách phương xa đến chơi.

Các hoạt động vui chơi như đánh đu, bập bênh, đu quay, ném còn, đánh cù, hát, múa cũng diễn ra trên khắp các bản làng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết Lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã xác lập một di sản mới trên mảnh đất Điện Biên, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 8 di sản.

Lễ Gạ Ma Thú là một loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo của người Hà Nhì được bồi đắp, hun đúc, sáng tạo, giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Lễ Gạ Ma Thú không chỉ phản ánh đời sống văn hóa tinh thần mà còn là nơi bảo tồn, khuyến khích sự phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng, qua đó góp phần giáo dục nhân cách, truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ và khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người Hà Nhì.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đề nghị, huyện Mường Nhé tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng ngành chức năng tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản.

Cùng với đó, huyện thường xuyên kiểm kê và tư liệu hóa giúp cho việc nhận diện và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả; khuyến khích nhân dân gìn giữ, trao truyền các nghi thức thực hành di sản một cách bền vững.

Huyện cũng cần quan tâm tới các nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng bản và thực hiện chương trình, dự án về công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Hà Nhì nói riêng, các dân tộc khác trên địa bàn huyện Mường Nhé nói chung.

Chính quyền địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện để người Hà Nhì tham quan, học tập, giao lưu, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa của dân tộc mình với đồng bào các dân tộc trong cả nước; đưa các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, gồm điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống của người Hà Nhì vào trường học thuộc khu vực cư trú của người Hà Nhì.

Đặc biệt, các địa phương cần thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ trình diễn, truyền dạy nghi lễ truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian tại các bản, nhóm dân cư dân tộc Hà Nhì./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục