Hoạt động của ngành

Nét đẹp Tết xưa và nay trong văn hóa người Việt

Cập nhật: 26/01/2024 11:50:52
Số lần đọc: 646
 Ngày 25/1, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức chương trình toạ đàm với chủ đề "Ngày xuân kể chuyện Tết xưa".

Tết Nguyên đán chính là một dịp lễ đánh dấu thời khắc giao mùa, khép lại những bộn bề của năm cũ, mở ra một chu kỳ thời gian mới, một sự khởi đầu mới với bao niềm tin và hy vọng một năm mới an lành và may mắn. Vui xuân đón Tết là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với nhiều giá trị nhân bản văn hóa tinh thần sâu sắc. Chính vì thế, tọa đàm được tổ chức với mong muốn làm sống lại những ký ức Tết xưa trong không gian những ngày cuối năm qua đó truyền tải tới nhân dân Thủ đô, du khách quốc tế những giá trị văn hóa đặc sắc của Tết truyền thống và hiện đại của dân tộc.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm

Tại tọa đàm, chia sẻ về Tết cung đình xưa, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội Nguyễn Minh Thu cho biết: Tết Nguyên đán được xem là buổi rạng đông của sự khởi đầu. Nhìn về thời xa xưa, những nét văn hóa dân tộc được khởi nguồn từ triều đình chính là tượng trưng cho sự hưng thịnh của quốc gia mà các bậc vua chúa đều chú trọng. Khác với dân gian, Tết xưa trong hoàng cung mang đậm nghi lễ truyền thống, các hoạt động lễ trước, trong và sau Tết Nguyên đán đều được tổ chức rất trang trọng và chu đáo, đó cũng là nét đẹp trong phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Tết là hành trình để con người trở về nhà, nhà báo Nguyễn Lưu cho biết: Nhắc đến Tết là nhắc đến những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Tết ấm áp và thơm mùi củi lửa dưới nồi bánh chưng xanh cùng hương vị nồng nàn của nước mùi già thơm ngát. Tết khơi dậy những niềm nhớ của người già qua không khí sum vầy của gia đình. Tết rạo rực, tươi mới hằn trên câu đối đỏ, mâm ngũ quả, cành đào phai và cây nêu đầu ngõ.  Quả thực, Tết là sợi dây gắn bó, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là hành trình của thời gian giúp con người trở về với cội nguồn.

Tái hiện lễ rước diều cổ trong chương trình "Happy Tết 2024"

"Tuy nhiên, với quá trình giao lưu hội nhập quốc tế về văn hóa và mở cửa nền kinh tế ra thế giới hiện nay, cách ăn Tết của người Việt Nam phần nào đã thay đổi. Không khí Tết hiện nay ồn ào hơn so với ngày xưa, một số tập tục trong ngày Tết xưa không còn phù hợp với xã hội hiện đại cũng đã dần bị loại bỏ. Sự thay đổi đó phần nào được thể hiện qua cách đón Tết và trong việc sắm Tết. Bên cạnh đó, nếu như ngày xưa, thời khắc sum họp gia đình trong dịp Tết là quan trọng nhất thì bây giờ có rất nhiều các bạn trẻ, gia đình đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán" - Nhà báo Nguyễn Lưu nói.

Trong khi đó, Phó Phòng Điều hành tour, Công ty Lữ hành Hanoi touris Nguyễn Hồng Nguyên cho rằng: Tết nguyên đán là một trong những lễ quan trọng nhất, kết tinh những văn hóa tinh túy nhất của Việt Nam. Nếu như nhà báo Nguyễn Lưu có sự băn khoăn về Tết xưa có sự khác với Tết nay, thì tôi cho rằng, trải qua hàng nghìn năm, Tết truyền thống của người Việt vẫn luôn luôn được gìn giữ. Tuy nhiên do quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống, Tết của chúng ta có khác đi một chút, có thể khác về cách thức chuẩn bị và tận hưởng Tết.

Nếu như trước đây, người Việt đón Tết theo "hướng nội" - là tất cả dành cho sự sum họp gia đình thì hiện nay, người Việt còn có cách thức đón Tết khác là "đi chơi trong dịp Tết cổ truyền". Nhưng họ cũng sẽ sắp xếp thời gian làm sao cho phù hợp để cùng một dịp nghỉ lễ dài nhất, họ vừa sum họp được với gia đình, vừa được thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Có thể nói, Tết xưa vẫn là Tết nay, bởi hồn cốt của dân tộc, tất cả tinh thần của Tết xưa đều được gìn giữ nhưng nó cũng có sự tiếp biến để làm sao cho phù hợp với thời đại ngày nay".

Thả diều là một trong những phong tục đặc trưng từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa mang đậm giá trị truyền thống của dân tộc.

Lễ hội vui xuân thì không thể thiếu các trò chơi dân gian và thả diều là một trong những phong tục đặc trưng từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa mang đậm giá trị truyền thống của dân tộc. Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa Diều Việt Nam Lê Thị Thiết chia sẻ: "Theo nghiên cứu trong lịch sử, từ thời vua Lê đã có lễ hội Sáo Đền (lễ hội thả diều đền Song An ở Thái Bình) diễn ra vào đầu xuân năm mới. Trong những ngày Tết cổ truyền, vua cho quân lính được thả diều để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngày nay, lễ hội vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy tại Song An nhằm tưởng nhớ những vị tướng thời Lê, trở thành nét đẹp truyền thống của xã Song An.

Không chỉ mang ý nghĩa về tâm linh, lễ hội thả diều còn góp phần cố kết cộng đồng làng xã và cộng đồng những người chơi diều ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, chơi diều cũng có hiệu quả giải trí và giáo dục rất lớn. Việc làm và chơi diều rất bổ ích và lý thú cho trẻ em vì thông qua đó các em có thể tiếp thu được dễ dàng nhiều kỹ năng như: tính kiên trì, khéo léo, biết được cách trang trí, phối hợp màu sắc hình ảnh cho cánh diều thêm đẹp …Với nhiều ý nghĩa quan trọng, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận "Tục chơi sáo diều trong lễ hội sáo đền" ở xã Song An, huyện Vũ Thư là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia".

Không gian tọa đàm

Tọa đàm hôm nay không chỉ gợi lại những chuyện lắng đọng đã qua mà còn mang tới những niềm vui, những câu chuyện hấp dẫn kiến tạo bầu không khí tưng bừng với những phong tục, tập quán độc đáo ngày xuân. Tìm về những giá trị đích thực của Tết để trao truyền cho những người trẻ, thế hệ mai sau những giá trị của Tết xưa để chắt lọc, thực hành và truyền đời sau nữa./.

Thương Nguyễn

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 25/01/2024

Cùng chuyên mục