Ngành du lịch phát triển ra sao sau khi thế giới trải qua hai đợt đại dịch bệnh trong hai thập kỷ
Thời kỳ đó, du lịch thế giới đã gặp khó khăn. Theo báo cáo của UNWTO, lượng khách quốc tế năm 2003 giảm 1,5%, từ 703 triệu lượt năm 2002 xuống còn 690 triệu lượt. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến nhiều điểm đến đã giảm tới một nửa trong hai tháng liền (Tháng 4, 5). Khu vực châu Á và Thái Bình Dương vốn đang tăng trưởng ổn định, đã bị giảm sút đột ngột (-9,0%); trong đó khu vực Đông Nam Á giảm 13,9%.
Số khách du lịch quốc tế đến (inbound) trên thế giới và Việt Nam, 2002-2004
|
Khách du lịch quốc tế đến (triệu lượt) |
Tăng trưởng (%) |
|||
2002 |
2003 |
2004 |
2003/2002 |
2004/2003 |
|
Thế giới |
703,0 |
690,0 |
763,0 |
-1,5 |
+10,7 |
Châu Á và Thái Bình Dương |
131,1 |
119,3 |
152,5 |
-9,0 |
+27,9 |
Đông Nam Á |
42,0 |
36,2 |
47,3 |
-13,9 |
+30,7 |
Việt Nam (*) |
2,6 |
2,4 |
2,9 |
-7,6 |
+20,6 |
Nguồn: UNWTO - Tourism Highlights 2005; (*) Tổng cục Thống kê
Năm 2003, theo báo cáo của UNWTO, tổng thu du lịch quốc tế, tính theo đồng USD, vẫn tăng gần 43 tỷ USD, tuy nhiên mức tăng này được đánh giá lại là do sự mất giá của USD so với nhiều loại tiền tệ khác. Nếu tính theo đồng Euro, tổng thu giảm tới 9,0%, từ 508 tỷ Euro năm 2002 xuống còn 463 tỷ Euro.
Khu vực châu Á và TBD giảm từ 98,7 tỷ USD xuống 94,9 tỷ USD, tương đương -3,9%; tính theo Euro, giảm từ 104,4 tỷ Euro xuống 83,9 tỷ Euro (- 19,6%).
Sau dịch SARS 2003, bước sang năm 2004, du lịch thế giới tăng trưởng trở lại với những kết quả tích cực ở nhiều khu vực và điểm đến. Năm 2004, lượng khách du lịch quốc tế đạt 763 triệu, tăng trưởng 10,7% so với 2003; khu vực châu Á và Thái Bình Dương tăng trưởng rất cao (+27,9%). Khu vực Đông Nam Á tăng trưởng mạnh với mức nhảy vọt đạt 31%, trong đó đặc biệt là Cam-pu-chia (+51%) và Ma-lai-xia (+49%). Tổng thu từ du lịch quốc tế tăng 18,9% tính theo đồng USD (8,2% tính theo đồng Euro).
Việt Nam cũng phải chịu những tổn thất nhất định do SARS, có 65 người nhiễm và 5 người tử vong. Sau 45 ngày đối mặt, ngày 28/04/2003 cũng chính là ngày Việt Nam vinh danh là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch bệnh SARS, và không còn ca mắc mới nào được ghi nhận sau đó.
Tháng 3 và 4/2003, dịch SARS xảy ra tại Việt Nam. May mắn nước ta đã sớm khống chế và công bố hết dịch. Nhưng thực sự 2 tháng tiếp theo (5 và 6) mới là tháng có số lượng khách đến thấp nhất trong năm (“đáy” của đường biểu đồ). Phải mất 3 tháng tiếp, đến tháng 9 mới đạt ngang mức cùng kỳ 2002 và 3 tháng cuối năm đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng cả năm 2003, Việt Nam vẫn bị giảm tới 7,6%. Cả năm có 6 tháng mức tăng trưởng âm.
Năm 2003, bù lại với số khách quốc tế giảm (-7,6%), du lịch nội địa mặc dù bị tác động mạnh, nhưng cũng sớm hồi phục, số lượt khách du lịch nội địa cả năm vẫn có mức tăng trưởng là 3,8%. Nhờ vậy, tổng thu du lịch chỉ giảm 4,3%.
Năm 2004, khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao, đạt 20,6% so với 2003. Khách nội địa tăng 7,4%. Tổng thu từ khách du lịch cả năm tăng 18,2%.
Du lịch năm 2020 sẽ vô vàn khó khăn trước đại dịch COVID-19
Năm 2020, cú sốc rất lớn với ngành du lịch. Cả thế giới chao đảo. COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến 26/4/2020, ghi nhận 212 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu với hơn 2,9 triệu người mắc bệnh, trong đó có trên 200 nghìn người tử vong, và chưa thể biết được thời điểm có thể khống chế được dịch bệnh. Mức độ tổn thất lớn gấp rất nhiều so với gây ra bởi SARS.
Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế nhiều nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất ngưng trệ, và được đánh giá là tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Từ cuối tháng 3/2020,nhiều quốc gia tuyên bố đóng cửa biên giới, phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội, tạm ngừng nhập cảnh đối với người nước ngoài,… Ngành du lịch gần như “đóng băng”. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí,... đều phải đóng cửa, vận tải khách hạn chế, chỉ phục vụ những trường hợp cấp thiết.
Với kinh nghiệm thế giới và Việt Nam đã khắc phục vượt qua dịch SARS, theo nghiên cứu của một số chuyên gia trong nước về kịch bản du lịch Việt Nam năm 2020, khả năng du lịch Việt Nam còn trải qua tình trạng “đóng băng” nhiều tháng nữa. Tháng 2, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước, tháng 3 giảm 68,1%, và nhiều tháng tiếp theo cũng chưa thể hồi phục. Chúng ta cần xác định thực tế năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ giảm sút kỷ lục cả về du lịch quốc tế cũng như du lịch nội địa.
Biểu đồ: Dự báo khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 9/2020
Nguồn: www.vietnamtourism.gov.vn, 10/04/2020
Du lịch Việt Nam cần nghiên cứu, đánh giá có thể lựa chọn thị trường sớm khai thác trở lại
Điểm đáng mừng Việt Nam đang làm tốt công tác phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tính đến 26/4/2020, số trường hợp được chữa khỏi chiếm 83,3%, trong số đó có nhiều ca là người nước ngoài (khoảng 20%). Chúng ta hy vọng có thể sớm khống chế thành công dịch bệnh này. Tuy nhiên trên phạm vi toàn thế giới, việc khắc phục dịch bệnh ở các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng rất khác nhau, thời điểm khống chế dịch bệnh ở mỗi nơi sớm hay muộn sẽ không đồng thời. Trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu rộng như hiện nay, vấn đề đại dịch không chỉ riêng đối với quốc gia nào. Chừng nào virus SARS-CoV-2 còn tồn tại thì vẫn còn mối đe dọa nghiêm trọng với cả thế giới. Và du lịch không tránh khỏi cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trong những thị trường khách du lịch trọng điểm của Việt Nam, có thể thấy Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước trong khu vực ASEAN sẽ sớm khắc phục dịch bệnh. Tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, số lượng nhiễm bệnh chưa được chữa khỏi đến thời điểm này còn chiếm tỷ lệ khá cao. Diễn biến dịch bệnh khó dự đoán, còn kéo dài. Do đó đối với Việt Nam, du lịch quốc tế chắc chắn chưa thể hồi phục ngay, nhưng trước mắt có thể đánh giá, từng bước mở lại với từng thị trường thích hợp. Bên cạnh đó, du lịch nội địa có thể sớm được thúc đẩy. Du lịch Việt Nam cần quan tâm trước đến nhóm khách MICE, khách công vụ.
Du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm, rất dễ bị tác động, nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh chóng so với nhiều ngành kinh tế khác. Chúng ta cùng kỳ vọng sau khi kết thúc đại dịch COVID-19, du lịch sẽ lấy lại tăng trưởng với tốc độ cao, như đã vượt qua các đợt khủng hoảng trước đây.
Thái Hà