Phát triển du lịch ASEAN bền vững và toàn diện sau khủng hoảng của đại dịch COVID-19
Tham dự hội nghị còn có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Lê Ngọc Định, lãnh đạo các Vụ Hợp tác quốc tế, Thị trường du lịch, Khách sạn, Lữ hành (Tổng cục Du lịch).
Toàn cảnh buổi họp
Trong bối cảnh du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, hội nghị là cơ hội để các nước trong khu vực chia sẻ thông tin và cùng lên kế hoạch khôi phục du lịch ASEAN.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng chia sẻ những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến du lịch Việt Nam. Quý I năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 18,1%, khách du lịch nội địa giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính có 1,7 triệu lượt khách quốc tế hủy tour đến Việt Nam. Công suất phòng trung bình của Quý I chỉ khoảng 20%, tháng 4 chỉ ở mức dưới 10%. Lao động ngành du lịch được cho nghỉ không lương hoặc giảm đến 80% lương. Doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm sâu, gần như về con số 0 trong tháng 4.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng chia sẻ về tình hình COVID-19 ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam
Từ khi dịch bệnh khởi phát đến nay, Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tập trung vào 03 gói hỗ trợ: Gói hỗ trợ tài chính, tiền tệ tạo ra các khoản vay, tín dụng cho doanh nghiệp; Gói hỗ trợ về tài khóa như giảm thuế và gia hạn thời gian nộp thuế; Gói hỗ trợ an sinh xã hội như hỗ trợ tiền cho người lao động trong ngành du lịch bị mất việc hoặc tạm ngừng lao động; tạm dừng đóng một số loại quỹ của bảo hiểm xã hội; điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp…
Thứ trưởng Lê Quang Tùng đề nghị ASEAN phối hợp hành động nhằm phục hồi ngành Du lịch
Để chuẩn bị sẵn sàng cho các chiến dịch khôi phục du lịch, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đề xuất các nước ASEAN phối hợp, triển khai một số biện pháp, hành động cụ thể: (1) Chia sẻ về chính sách, bài học kinh nghiệm trong quá trình tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành du lịch; (2) Tăng cường phối hợp nội khối trong các hoạt động truyền thông, khẳng định hình ảnh ASEAN - một điểm đến chung an toàn, hấp dẫn; thúc đẩy du lịch nội khối khi dịch bệnh được khống chế, điều kiện đi lại ổn định; (3) Thúc đẩy du lịch thông minh, du lịch số, chuyển đổi số trong du lịch; (4) Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNWTO, PATA, WTTC, WHO…, các quốc gia đối tác, các đối tác phát triển để tiếp cận các khuyến nghị, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật.
Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng với sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ của các nước thành viên, ngành du lịch ASEAN sẽ sớm vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra và phục hồi trong thời gian sớm nhất.
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN về COVID-19 được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của các nước trong khu vực
Kết thúc Hội nghị, Bản tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN về COVID-19 đã được thông qua. Bộ trưởng Du lịch ASEAN cùng nhất trí đẩy mạnh thông tin liên quan đến du lịch về sức khỏe nhằm kiểm soát sự lây lan của COVID-19, thông qua việc tăng cường hoạt động của Nhóm Truyền thông Khủng hoảng Du lịch ASEAN (ATCCT). Các nước cam kết sẽ thực hiện các chính sách và biện pháp minh bạch để củng cố niềm tin của khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đông Nam Á, bao gồm xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn rõ ràng cho một môi trường làm việc an toàn và khoẻ mạnh hơn nhằm bảo vệ các nhân viên và cộng đồng trong ngành khách sạn và du lịch, các điểm đến và cơ sở du lịch tại các nước thành viên ASEAN.
Ngoài ra, thống nhất ủng hộ việc xây dựng và triển khai Kế hoạch phục hồi sau khủng hoảng dịch COVID-19, thúc đẩy các chính sách kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật và kích thích tài chính, giảm thuế, nâng cao năng lực, đặc biệt là các kỹ năng về công nghệ số cho ngành lữ hành và du lịch. Đồng thời, duy trì hợp tác với các Đối tác đối thoại ASEAN, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan trong ngành để xây dựng một Đông Nam Á vững mạnh và sẵn sàng để triển khai và quản lý du lịch bền vững, toàn diện sau khủng hoảng.
Tin, ảnh: Thu Thủy