Ngành du lịch tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển du lịch trong tình hình mới
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink tại lễ ra mắt dự án Google Arts & Culture - Kỳ quan Việt Nam (Ảnh: TITC)
Riêng đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018.
Là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin trực thuộc Tổng cục Du lịch, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, trong thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và xúc tiến quảng bá du lịch.
Nhận thức rõ về xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược của chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung triển khai những nhiệm vụ quan trọng như: (1) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch; (2) Phối hợp với các bên liên quan phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở; (3) Phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch; (4) Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch để ươm mầm cho những ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá trong ngành; (5) Hỗ trợ, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và doanh nghiệp du lịch về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo an toàn cho du khách.
Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn - Công cụ đồng hành với khách du lịch trong bối cảnh bình thường mới
Nổi bật nhất là ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn - một nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, cơ sở y tế, hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm, khám phá điểm đến, quản lý tour du lịch, mua sắm…
Đặc biệt, thông qua ứng dụng này, du khách có thể gửi ý kiến phản ánh tới Tổng cục Du lịch, những thông tin này sẽ được Tổng cục Du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng ngành quản lý thị trường, giao thông vận tải… để xử lý kịp thời, bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch.
Hiện nay, ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn đang được tập trung nâng cấp một cách toàn diện và sẽ ra mắt phiên bản mới trong thời gian ngắn sắp tới với rất nhiều sự đổi mới về thiết kế giao diện, tính năng, tiện ích, mang lại thuận tiện nhất cho người dùng.
Bên cạnh đó, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 hàng ngày qua website https://safe.tourism.com.vn do Trung tâm Thông tin du lịch xây dựng đã được triển khai rộng rãi tới các địa phương trong cả nước theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch. Hệ thống này kết nối thông tin du lịch an toàn từ địa phương đến cơ quan quản lý ở Trung ương, từ đó góp phần kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch.
Hệ thống đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 hàng ngày qua website https://safe.tourism.com.vn
Thực hiện chủ trương thí điểm hộ chiếu vắc-xin đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang”, Trung tâm Thông tin du lịch đã chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc-xin (https://travelpass.tourism.vn) để phục vụ đón khách du lịch khi hoạt động du lịch quốc tế được mở lại.
Hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc-xin
Công tác truyền thông du lịch trên các nền tảng số cũng ngày càng được đẩy mạnh. Hệ thống nền tảng số của Tổng cục Du lịch ngày càng được bổ sung, hoàn thiện với hệ thống website, mạng xã hội, các ứng dụng thông minh… Hình ảnh du lịch Việt Nam trên các nền tảng số ngày càng sống động, hấp dẫn và đến gần hơn với du khách.
Đầu năm 2021, dự án Google Arts & Culture - Kỳ quan Việt Nam ra đời, đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam xuất hiện trên nền tảng trực tuyến nổi tiếng Google Arts & Culture - nơi đặt các bộ sưu tập của trên 2.000 bảo tàng trên thế giới, là nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật, văn hóa, lịch sử các quốc gia.
Ngay sau đó, chương trình truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam trên nền tảng YouTube do Trung tâm Thông tin du lịch thực hiện có tên “Việt Nam: Đi Để Yêu!” được ra mắt với sự hưởng ứng tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng.
Nhiều danh lam thắng cảnh của Việt Nam hiện lên sống động, chân thực qua chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!"
Thông qua các nền tảng số này, những thế mạnh nổi bật của du lịch Việt Nam như di sản, văn hóa, ẩm thực, cảnh quan… đã được quảng bá rộng rãi đến đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Điều này rất phù hợp trong bối cảnh làn sóng công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, cũng như tình hình mới do ảnh hưởng của Covid-19, việc tìm kiếm thông tin trên các nền tảng trực tuyến sẽ là một xu hướng chủ đạo.
Bên cạnh đó, nhiều nền tảng tiện ích mới cũng đang được Trung tâm phát triển phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch như Trang vàng du lịch Việt Nam (https://trangvangdulichvietnam.vn/), là một nền tảng kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ uy tín trong lĩnh vực du lịch; Hệ thống vé điện tử cho phép người dùng tìm kiếm và đặt vé các chương trình văn hóa nghệ thuật, vé tham quan du lịch, vé dịch vụ vận chuyển…
Trang vàng du lịch Việt Nam - Nền tảng uy tín kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL, Trung tâm Thông tin du lịch sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng các chương trình, đề án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác định hướng đi và lộ trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch giai đoạn tới.
Có thể thấy, trong xu thế chung, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia vào cuộc CMCN 4.0, phát huy lợi ích của công nghệ số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Đây là một quá trình chuyển đổi tư duy, cách thức hoạt động của ngành du lịch, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ và nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.
Trung tâm Thông tin du lịch