Non nước Việt Nam

Người Cao Lan (Tuyên Quang) giữ nếp nhà cổ

Cập nhật: 09/10/2020 08:14:50
Số lần đọc: 1119
Người Cao Lan ở Tuyên Quang hiện vẫn giữ được những nếp nhà sàn cổ. Nhìn tổng thể thì ngôi nhà sàn Cao Lan không khác gì nhà sàn người Tày, người Nùng nhưng sự bố trí cấu trúc bên trong thì hoàn toàn khác. Đối với loại nhà bền vững, to, đẹp thì mọi nguyên liệu như cột kèo, đòn tay,… đều được chuẩn bị kĩ lưỡng, ngâm nước chống mối mọt, đặc biệt là những cây cột cái.

Nhà sàn của người Cao Lan thường là ba gian hai chái, có tám cây cột cái. Trong những cây cột cái phải có 2 cây có độ dài hơn để chôn sâu xuống đất. Những cây cột còn lại được kê trên hòn đá để chống mối mọt. Hai cây cột cái chôn dưới đất phải là lõi gỗ không mối mọt. Đây là thể hiện sự đảm bảo bền vững, song có ý nghĩa cao hơn là sự nối tiếp giữa đất với trời, tính giao hòa âm dương.

Người Cao Lan thôn Đồng Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) thường tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ bên căn nhà sàn truyền thống.

Phần khung nhà có kết cấu giằng néo, dầm dưới xà trên, có câu đầu, kèo dốc dài xuống gần đến phần sàn nhà. Mái nhà được lợp bằng lá cọ hoặc cỏ gianh chùm xuống quá sàn nhà để thay phần che gió mưa khỏi hắt vào. Vì vậy, phần vách chỉ cần thưng bằng phên nứa đơn giản nhưng vẫn đảm bảo sự ấm cúng trong nhà. Kề với nhà lớn thường có thêm nhà phụ. Phần sàn nhà phụ là nơi để các loại lương thực, thực phẩm như thóc, ngô, khoai và dụng cụ lao động hay để phơi hong váy áo đàn bà. Nếu nhà đông người, họ bố trí bếp lửa để đun nấu, cũng có khi bố trí nơi nằm ngủ của các cụ bà.

Nhà sàn của người Cao Lan có 4 mái, 2 mái chính và hai mái chái nhà nhỏ hơn, có độ dốc như nhau. Ngôi nhà có 3 gian hai chái là nhà trung bình; có 4 gian hoặc 5 gian là nhà to, nhà giàu có nhiều thế hệ cùng sinh sống, thường là nhà ở của thầy cúng hay trưởng bản.

Bậc cầu thang lên nhà thường là cây gỗ hơi cong được chẻ đôi, có 5 hoặc 7 bậc thang. Cầu thang được đặt ở cuối nhà phía sau. Khoảng giữa cầu thang nối nhà sàn có ô sàn, gọi là sàn dừng chân, giống như chiếc chiếu nghỉ của nhà xây. Thẳng từ cửa vào đến hết chiều rộng của phần chái nối nhà lại có thêm một ô sàn phụ rộng khoảng 2m2 thẳng ra sàn phơi và vào nhà phụ, thấp hơn sàn chính khoảng 20-50cm. Phần ô sàn này được lát bằng những cây tre mai già chịu được ẩm ướt dùng để đặt vại nước, thau chậu để rửa chân tay. Ở sàn chính có một ô bếp nấu nướng hình chữ nhật rộng khoảng 1m, dài 1,5-2m. Phía trên ô bếp là một cái giàn treo bằng tre hoặc nứa dùng để xếp nan lạt, thịt cá và để các đồ vật phục vụ cho việc nấu nướng. Kề với bếp về phía trái hoặc phải có một cái buồng được thưng bằng phên nứa hoặc ván kín đáo cho con gái hoặc con dâu nằm. Một phía là lối đi lên gian chính giữa. Đàn ông hoặc khách phải đi theo lối này, kiêng kị đi theo lối có căn buồng là nơi sinh hoạt của con trẻ, nơi ngủ của đàn bà và ăn cơm hàng ngày. Gian chính thứ ba phía đầu nhà là gian để bàn thờ gia tiên, nơi ngủ của đàn ông và phần để tiếp khách. Tiếp đó là gian chái đầu nhà hẹp hơn lại được nâng cao hơn sàn chính khoảng 20cm. Gian này là nơi thờ Phật, góc phía sau nhà được đặt bàn thờ thần Phật bảo gia, nơi để đồ thờ cúng, sách cúng, tranh Phật. Nếu nhà có cụ ông thì bố trí cụ nằm ở đây, không có cụ ông thì là nơi ngủ của đám con trai chưa vợ. Đặc biệt, gầm sàn của người Cao Lan chỉ để nông cụ cày, bừa, thường xuyên được quét dọn sạch sẽ và không nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn.

Hiện nay, người Cao Lan trong tỉnh vẫn giữ được nếp nhà sàn cổ. Họ coi đây là hình mẫu lý tưởng, là biểu tượng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Cao Lan.

Hoàng Anh

 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT