Hoạt động của ngành

Ninh Thuận khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Cập nhật: 01/03/2024 12:15:39
Số lần đọc: 775
Năm 2023, Ninh Thuận đón tiếp hơn 2,9 triệu lượt du khách, đạt hơn 107% kế hoạch, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch hơn 2.300 tỷ đồng. Ninh Thuận là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng ngành du lịch nhanh nhất khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.


Khu vực Công viên biển Bình Sơn và bãi tắm Bình Sơn-Ninh Chữ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm thu hút đông đảo du khách vào dịp Tết.

Năm 2023, Ninh Thuận đã triển khai tám dự án với tổng vốn đầu tư 23.346 tỷ đồng. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết: Ninh Thuận đang vươn lên là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch miền trung và cả nước. Toàn tỉnh có 57 dự án du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 51.690 tỷ đồng. Du lịch đã tác động tích cực đến phát triển của các ngành khác tại địa phương.

Hiện, các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng, ẩm thực; thể thao mạo hiểm, giải trí như lướt ván diều, tham quan đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh,… Điều này đã tạo sức lan tỏa, quảng bá hình ảnh Ninh Thuận, tạo sự hấp dẫn cho du khách trải nghiệm và được du khách ngoài nước chọn là điểm đến ưa thích. Công suất sử dụng phòng đạt 65%, vào những ngày lễ, Tết đạt 80-100%.

Nhờ triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động phát triển du lịch như: Xây dựng hệ thống thông tin số du lịch, hệ thống wifi và kiosk miễn phí tại một số khu, điểm du lịch chính; hệ thống hướng dẫn viên du lịch ảo để hỗ trợ cho du khách… nên đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách.

Ninh Thuận đẩy mạnh hình thành các sản phẩm du lịch mới lạ: Khám phá và vui chơi giải trí cát-muối; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; bốn sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch… tạo sự khác biệt để phát triển du lịch độc đáo.

Với thời tiết dịu nhẹ mát mẻ, trong những ngày Xuân Giáp Thìn, hàng trăm nghìn lượt du khách đã đến tham quan, nghỉ dưỡng và tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động dịch vụ du lịch tại Ninh Thuận.

Tại thành phố biển Phan Rang-Tháp Chàm, du khách trải nghiệm với các hoạt động như: Thưởng ngoạn vẻ đẹp của Vườn hoa Xuân Giáp Thìn được thiết kế với 22 cụm tiểu cảnh, hạng mục trang trí vừa mang tính hiện đại, vừa giữ nét truyền thống ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cùng cảm nhận sự kết hợp, giao thoa giữa dòng chảy hiện đại với truyền thống lịch sử, phản ánh sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tiểu cảnh linh vật Rồng-biểu tượng của năm Giáp Thìn với tư thế vươn mình bay lên thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ, hướng đến tương lai của vùng đất hội tụ những khác biệt.

Hầu hết khách sạn tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đều được các trung tâm du lịch lữ hành đặt kín phòng lưu trú cho du khách tham gia các tour du lịch.

Tại các huyện Ninh Sơn và Bác Ái, du khách mê mẩn khi nghỉ chân, chụp ảnh, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và cung đường quanh co, uốn lượn của đèo Ngoạn Mục; thưởng thức các món đặc sản rừng, uống rượu cần và hòa chung với sinh hoạt văn hóa cộng đồng; ngâm mình dưới dòng nước mát của suối Thương, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những tảng đá to đồ sộ phản chiếu đầy màu sắc nằm trong dòng suối để cảm nhận sự mát lạnh và tận hưởng không khí trong lành; tham quan vườn nho; ngắm cảnh cây cối xanh tốt ôm trọn núi rừng trên đèo Ngoạn Mục.

Du khách Trần Hải Khoa đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Gia đình tôi đến suối Thương dã ngoại được hòa mình vào thiên nhiên, cảm giác rất thích thú. Trải nghiệm nấu ăn ngoài trời trên những ghềnh đá đồ sộ dưới tán cây rất hấp dẫn”.

Làng gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đón hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm độc đáo mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm làm kỷ niệm. Tại đây, du khách được xem các nghệ nhân biểu diễn và trực tiếp hướng dẫn du khách tự làm gốm, dệt vải thổ cẩm.

Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Gốm Chăm Bàu Trúc cho biết: Trung bình mỗi ngày lễ, Tết có hơn 700 lượt khách đến tham quan và tham gia nặn sản phẩm gốm tại khu trưng bày.

Tại điểm du lịch Mũi Dinh, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy trên tuyến đường ven biển Phú Thọ-Mũi Dinh để chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp, với bãi biển hoang sơ, bãi cát trắng mịn cùng đồi núi hùng vỹ được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Anh Trần Long, trưởng nhóm “phượt” đến từ Đồng Nai chia sẻ: “Phong cảnh trên tuyến đường này quá đẹp, đây là cung đường lý tưởng để mọi người trải nghiệm, chụp ảnh lưu lại kỷ niệm sau một chuyến khám phá”.

Với lợi thế có nhiều điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng như: Hòn Đỏ, làng nho Thái An, Hang Rái, vịnh Vĩnh Hy… nên dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, huyện Ninh Hải thu hút khá đông du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 3,5 triệu lượt du khách trong nước và ngoài nước, Ninh Thuận tiếp tục tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư, đồng thời tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để phục vụ công trình phát triển du lịch, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra.

Bài và ảnh: Nguyễn Trung

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 28/02/2024

Cùng chuyên mục